Tỉnh Sa Đéc

Kết quả tìm kiếm

Sự tích Xoài Thơm, Xoài Ngự

Xoài Tượng trồng ở Sa Đéc

 Sa-Đéc ở cách thủ đô Sài-Gòn 136 cây số, thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu-Long, nước ngọt quanh năm, đất đai mầu mở, cây trái hoằng sai. Do đó xưa nay, nhà vườn ở Sa-Đéc họ trồng rất nhiều loại cây ăn trái. Cam, xoài nhiều hơn hết, có tiếng là ngon không đâu bằng. Nhưng nếu kể về số sản xuất nhiều thật ra vẫn không hơn được xứ Cái-Mân, tỉnh Kiến-Hòa. Nơi ấy trồng đủ loại cây ăn trái: chôm-chôm, cam, quít, măng cụt, bòn-bon, xoài, ổi, thơm tây v.v... và cả cây chiết chở đi khắp Lục-tỉnh.

 Nếu Mỹ-Tho có nhiều thứ trái cây nổi tiếng như: Mận hồng đào, ổi xá-lỵ, vú sữa lò rèn v.v... thì Sa-Đéc chỉ có hai loại trái cây được thông dụng và có tiếng nhứt là xoài, cam. Còn các loại trái cây khác Sa-Đéc cũng có, nhưng rất ít. Xoài thanh-ca loại trắng và loại đen. Xoài gòn, xoài voi, xoài cát, xoài cốc, xoài tượng, xoài thơm v.v... Loại xoài thơm này được truyền tụng nhiều đời cho là loại xoài ngự, quí nhứt tỉnh Sa-Đéc. Do đâu xoài thơm còn có tên là xoài ngự? Chữ "ngự" vốn là chữ thường riêng dùng cho bậc vua chúa, như nhà vua thì nói là Ngài ngự, hoặc ngự giá, ngự-lâm-quân, tất cả những gì có dính dáng đến nhà vua thì đều phải dùng đến chữ "ngự" để tỏ lòng tôn kính, và có sắc thái riêng biệt chỉ về nhu cầu cung ứng cho nhà vua.

 Trở lại vấn đề xoài thơm còn mang tên đặc biệt là xoài ngự. Tương truyền: Ở miệt Nước-Xoáy, Long-Hưng, Long-Hậu phát xuất ra hai tiếng xoài ngự. Như ai cũng đã biết, và như chúng tôi đã ghi chép ở phần lịch sử, di tích trên mảnh đất Sa-Đéc, có rất nhiều dấu tích vua Gia-Long khi tẩu quốc. Lúc Ngài đóng đại bản dinh ở Sa-Đéc, đồng bào quanh vùng tỏ lòng trọng vọng, hằng đem món ngon vật lạ địa phương cung tiến, gọi là tỏ chút lòng thành dâng lên phụng dưỡng Ngài ngự cho chu đáo.

 Trong các món trái cây đem dâng Ngài ngự thiện, món xoài thơm được coi là quí nhứt, xứng đáng để nhà vua dùng tráng miệng. Ngài dùng qua món xoài thơm ngon hơn cả các loại trái cây khác trong vùng.

 Do lời khen của đức vua rằng, món xoài thơm không loại xoài nào sánh bằng, nên từ ấy xoài thơm mang riêng một tên đặc biệt là xoài ngự, tức là món nông sản đã được nhà vua thưởng thức, và đồng bào dân chúng sẵn sàng coi là món thổ sản dành riêng cho nhà vua.

 Vua Gia-Long đã tán thưởng loại xoài thơm đó, nên đồng bào ở đây cố gieo giống trồng thêm thật nhiều đến ngày nay. Xoài thơm hay xoài ngự có sự tích liên quan đến vua mở nghiệp nhà Nguyễn nên xem có giá trị lớn lao. Đến ngày nay, so với các loại xoài khác, thứ xoài thơm bán khá đắt tiền.

 Còn loại cam mật ở Sa-Đéc mỏng vỏ, nước nhiều, ngọt, không chua, vì đủ đất, phân bón tốt, trái cam ít bị chai như các loại cam ở vùng khác.

 Ngày xưa ở đây trái cây bán mỗi chục 18, hoặc 16 trái, tập tục ấy đã quen và còn duy trì cho đến ngày nay.

 Vĩnh-Long, cách Sa-Đéc trên 20 cây số, lúc xưa, trái cây bán mỗi chục 24, rồi sau bớt lần còn 20, 18, 16, bây giờ nghe đâu chỉ còn có chục 14 không giữ được như Sa-Đéc. Xoài thơm Sa-Đéc có giá trị đến được mang danh xoài ngự, kể cũng là một vinh hạnh cho Sa-Đéc rồi. Cho đến việc bán buôn, xưa nay đồng bào cũng vẫn giữ mục thành tín, để chiêu đãi khách hàng, giới thiệu món thổ sản địa phương đặc biệt, càng nói lên tất lòng chung thủy của người dân đất Sa-Giang.

 Nguồn: Sa Đéc Xưa và Nay xuất bảm năm 1971.

Tống Phước Hòa


 Chưởng thủy Dinh Quận công Tống Phước Hòa

 Anh em đều vinh hiển, ngàn thu hương hỏa sùng phụng, nơi đền đài miếu mạo Vĩnh-Long, Sa-Đéc, thật chẳng ai bằng gia đình Tống-Quốc-Công. Dân chúng Vĩnh-Long không ai là chẳng biết miếu thờ Tống-Quốc-Công (Phước-Hiệp), còn tại Sa-Đéc, thì ngôi đình thờ Tống-Quận-Cộng (Phước-Hòa) cũng nguy nga tráng lệ không kém. (Trước kia có đền thờ riêng, sau này Chánh phủ Pháp dỡ đi để cất bót cảnh sát ở đó, nên nay Tống-Quận-Công thờ chung với đình Thần làng Vĩnh Phước).

 Tống-Phước-Hòa là em ruột Hữu-Phủ Quốc-Công Tống-Phước-Hiệp, đã từng vào sanh ra tử theo phò Chúa Định-Vương Nguyễn-Phúc-Thuần lúc chống Tây-Sơn. Xuất thân là Cai-cơ trong quân ngũ của anh tại Long-Hồ-dinh, nhưng ông tuyệt nhiên không cậy oai thế của anh mình mà tự kiêu tự mãn. Lúc nào ông cũng nhún nhường, tháo vát mọi trọng trách một cách mẫn cán, liêm-chính. Trong quân cũng như ngoài dân chúng, người người đều mến chuộng tài đức của ông.

 Sa cơ tự vẫn để bảo toàn danh tiếc

 Mùa xuân năm Bính-Thân (1776), Tây-Sơn kéo vào hạ thành Gia-Định. Ông vâng lịnh anh đi cứu viện, một lòng quyết tử, làm trọn nhiệm vụ, đánh Tây-Sơn khôi phục đất đai đã mất. Do công lao ấy, ông được thăng Chưởng-Thủy-Dinh, tước Quận-Công. Rồi cùng anh đóng quân tại Long-Hồ. Năm sau, Đinh-Dậu (1777), Tây-Sơn lại kéo vào đánh chiếm Gia-Định. Bấy giờ ông đang cùng Tống-Phước-Thiêm trấn giữ Long-Hồ, lập tức điều động binh-sĩ ứng chiến. Tây-Sơn dũng mãnh tiến chiếm nhiều nơi trọng yếu. Chúa Nguyễn và các quan hầu cận liệu thế không xong, lui về Ba-Vát (Bến-Tre) cố thủ. Ông hay tin, lòng càng hăm-hở quyết tử chiến, một mình đem binh chống cự. Dũng-cảm chiến đấu, binh-sĩ dưới sự chỉ huy của ông thảy đều hăng hái tranh phong cùng địch, thắng luôn nhiều trận.

 Tây-Sơn bèn dùng mưu, một mặt cầm cự ngăn ông tại Ba-Vát, một mặt đổ binh đánh tập hậu, bắt sống được Tân-Chánh-Vương (tức Đông-Cung Nguyễn-Phúc-Dương) giải về Gia-Định hành quyết. Ông căm hờn than dài: Chúa nhục thì kẻ làm tôi nên liều chết! Ông càng thúc quân đánh mạnh hơn lên. Nhưng dầu anh dũng đến thế nào, sức côi thế yếu, ông cũng đành ngậm hận mà thôi. Liệu bề khó thắng nổi trong tình thế nguy nan, ông liền đánh một trận cuối cùng cực kỳ dữ-dội, rồi trở gươm tự sát nơi chiến trường Ba-Vát.

 Chẳng những các chiến hữu của ông đều cảm phục thương tiếc, mà tất cả tướng sĩ Tây-Sơn cũng nhiệt lòng khen ngợi ý chí trung liệt của ông. Về sau, gồm thu non sông về một mối, vua Gia-Long nhớ công ơn, truy phong ông chức Chưởng-Dinh-Quận-Công. Năm Canh-Ngọ 1810, nhà vua lại cho thờ ông tại Miếu-Trung-Tiết Công Thần ở Huế.

 Nay tại làng Vĩnh-Phước trong Châu-Thành Sa-Đéc, hãy còn ngôi đình thờ ông, xây cất cực kỳ tráng lệ. Tục gọi "Miếu Quan Thượng-Đẳng", cũng là Đình Thần làng Vĩnh-Phước như kể trên.

 Ông Nguyễn-Đăng-Khoa có thơ vịnh:

 Quốc-Công trọng tước dấy lòng trung,

 Tay đỡ thành Nam chống thế công.

 Đất trổ anh tài trong nước lửa, 

 Trời theo gương Tống chói non sông.

 Oai danh thơm nực ngoài ba cõi, 

 Oanh liệt còn vang thấu cửu trùng.

 Công đức đã đầy trong võ-trụ, 

 Hiền thần chẳng nhọc, Đế-vương phong.

Chùa Bửu Hưng


Chùa Bửu Hưng nay thuộc xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

 Tổ đình Bửu Hưng tự

 Du khách viếng tỉnh Sa-Đéc, nếu tâm hồn lâng lâng niềm tục lụy, muốn thưởng thức phong quang những danh lam cổ sái, tưởng không gì bằng hãy tạm dừng chân ghé viếng chùa Bửu-Hưng đã có từ hơn một trăm năm về trước. Ngôi tổ đình Bửu-Hưng-Tự này rất cổ kính, nép mình trong một khu vắng vẽ. Trước sân rộng rãi có hồ sen, day mặt ra bờ rạch Cái-Các thuộc xã Hòa-Long quận Đưc-Thành tỉnh Sa-Đéc. Hiện nay, do Giáo-Hội Lục-Hòa-Tăng lãnh phần coi sóc, số bổn đạo rất đông. Những ngày rằm lớn, hoặc 30, mùng một, bổn đạo qui tụ về lễ Phật tấp nập.

 Giữa chánh điện có một pho tượng Đức Di-Đà cao trên hai thước, sơn son phết vàng, trải đã lâu đời nên phai nhạt khá nhiều, nhưng vẫn còn đầy đủ nét từ bi, trí tuệ phảng phất ánh đạo thiêng như lúc nào cũng sẵn sàng dẫn độ chúng sanh về cõi Tây-phương cực lạc. Hai bên trần thiết rất trang nghiêm, ảnh tượng chư vị La-Hán, Bồ-tát uy nghi tịnh tọa càng tăng thêm vẽ u huyền trong chốn thiền lâm phẳng lặng. Cột chạm tứ linh Long, Lân, Qui, Phụng, trên treo những tấm biển to lớn chạm khắc những hàng cổ-tự sắc sảo tinh vi, vàng son hực hở. Các bức hoành phi, liễn đối trong chùa, hầu hết do một số thiện tín sùng đạo địa phương phụng cúng. Trong số nhân vật đất Sa-Đéc ngày xưa, có ông bà Lê-Văn-Hiển, một đại điền chủ xã Long-Hậu nhiệt tâm với Phật-pháp, góp công, góp của, lo cho ngôi chùa ngày thêm rạng tiếng, nên hãy còn những tấm biển lưu niệm công đức của ông bà tại chùa.

 Đất Sa-Đéc là đất lành phát xuất nhiều bậc Cao-Tăng được mọi người trọng vọng. Chùa xưa miếu cũ rải rác trong xứ, đủ chứng tỏ đồng bào dân chúng đều hướng thiện tu hành giữ gìn đạo hạnh. -Sự tích ngôi tổ đình Bửu Hưng-Tự, theo lời các bô lão địa phương kể lại cho chúng tôi nghe như sau: Ngày xưa vùng đất này còn hoang vu, nhà thưa người ít, có một nhà sư từ phương xa đến dọn đất cất một cái am nhỏ để tu hành, sớm mỏ chiều chuông sống với cuộc đời ẩn dật. Được ít lâu, nhà sư viên tịch. Am vắng, khói lạnh hương tàn, làm chạnh lòng một nhà sư khác cũng từ phương xa dừng chân lại đó. Vị sư này thâm thông giáo lý nhà Phật, đức hạnh có phần hơn nhà sư trước. Do đó, khi vị sư sửa sang am cũ mà trụ trì, gần xa lần lần biết tiếng, kéo đến nghe ông thuyết giảng đạo lý một ngày thêm đông. Được đồng bào mến mộ, uy tín vị thiền sư tăng cao. Bổn đạo mới đóng góp kẻ ít người nhiều, dựng nên ngôi chùa rộng lớn hơn.

 Không bao lâu, vị sư này cũng viên tịch. Trải qua nhiều đời Yết-Ma, Giáo-thọ, Hòa-thượng, đến đời vị Yết-Ma Nguyễn-Văn-Hạnh, ngôi chùa hưng thịnh hơn nhiều. Vị Yết-Ma Nguyễn-Văn-Hạnh vốn người ở Định-Tường, trước trụ trì ở chùa Bửu-Lâm, nơi Chợ-Cũ Mỹ-Tho, nay về trụ trì ở ngôi chùa tại Cái-Các tỉnh Sa-Đéc đây, càng dốc lòng tuyên dương chánh pháp, mở mang phong khí trong vùng. Rồi đến Hòa-Thượng Thiên-Tường từ chùa Vĩnh-Tràng về cai quản, hiệp cùng bổn đạo sẵn có, xây cất ngôi chùa lộng lẫy khang trang như trong ảnh trên đây. Thế thì ngôi chùa này đã trùng tu qua nhiều đợt, đến đời Hòa-Thượng Thiên-Tường mới bắt đầu khởi sắc như thế. Quả xứng đáng là một đại già-lam của tỉnh Sa-Đéc. -Thật thế, ngôi chùa Bửu-Hưng-Tự có thể nói là một trong những ngôi chùa cổ và lộng lẫy nhứt ở Sa-Đéc. Số huê lợi do đồng bào Phật tử cúng cho chùa cũng nhiều, hàng năm có đến cả ngàn giạ lúa.

 Thời cuộc biến chuyển 1954, chùa bị liệng bom nhầm

 Chùa đang trong thời hưng thịnh, xảy gặp tai biến do thời cuộc phát sinh, mà phải chịu chung cái công lệ tang thương khi nạn dân ách nước tràn lan khắp trên lãnh thổ. Ấy là vào khoảng năm Ất-Dậu 1945, cảnh khói lửa điêu linh phủ trùm non sông nước Việt. Vùng này không được an ninh, ngôi chùa thường là mục tiêu cho đoàn quân xâm lăng nghi ngờ chủ tâm triệt hạ. Cho nên một buổi sáng tinh sương trong thượng tuần tháng 9, năm 1946, phi cơ đảo liệng quanh vùng một chập, rồi thì ầm ầm như trời long đất lở, bom của kẻ xâm lăng trút vào nơi Phật-tự trang nghiêm. Dù lầm lẫn hay cố ý, nào ai đo được lòng người. Kết quả bi đát: Thiệt mạng nhà sư Chánh Viên và 4 Phật-tử. Trước cảnh bom rơi đạn nổ, trong chùa đều tản cư đi nơi khác, không còn ai dám ở lại... May thay! Chánh điện vẫn được an toàn. Lúc chùa bỏ trống, không gìn giữ, bị người ta đến lấy mất một cái Đại-Hồng-Chung xưa thật là đáng tiếc.

 Thời gian diu lần, các nhà sư còn lại mới dám trở về hương khói cho Phật. Lúc sau có Hòa-Thượng Chơn-Hòa về trụ trì, tổ-đình Bửu-Hưng-Tự dần dần hưng thịnh lại như xưa. Đến ngày 22 tháng 2 âm lịch năm Mậu-Tuất, Hòa-Thượng Chơn-Hòa liễu đạo. Ngày nay, người kế vị trụ trì là Phó đại diện của tỉnh Hội Lục-Hòa-Tăng Sa-Đéc tiếp nối và trùng tu ngôi Tam-Bảo này.

 Tưởng nên ghi thêm một điều lạ: Ngày xưa, trong chùa, có trân tàng một vỏ lúa to lớn khác thường, để khách thập phương quan chiêm sự huyền dịu của hóa công trong cuộc trưởng dưỡng muôn loài vạn vật. Nhưng về sau, cũng vì chiến cuộc sinh hóa trở ngại, không người gìn giữ, vật lạ ấy chẳng biết đã bị bàn tay nào lưu đi mất. Mà thôi người đời của tạm có tiếc cũng bằng thừa. Trong cõi phù sinh, muôn vật có gì đâu là trường tồn miên viễn được. Duy có đạo lý là bất diệt, duy có tâm đạo là cùng với hai vầng nhật nguyệt cùng sáng rở mãi thiên thu.

 Đi viếng một ngôi chùa cổ kính của đất Sa-Đéc, chúng tôi có bổn phận nói lên công nghiệp của các vị tổ dày công sáng tạo để dẫn dắt người đời tu hành, và cũng ghi lại một ít di tích để tồn cổ; tinh thần Phật giáo vẫn tồn tại với non sông ngàn năm bất diệt.

 Nguồn: Sa-Đéc Xưa và Nay xuất bản năm 1971.

Sa Đéc đô thị lâu đời theo kiến trúc Đông - Tây


 Sa Đéc là một trong những đô thị lâu đời của tỉnh Sa Đéc và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhờ vào vị trí địa lý nên phát triển khá sớm, có điều kiện tiếp thu và giao thoa với nhiều nền văn hóa khác nhau, trong đó có kiến trúc. Mảng kiến trúc cổ ở Sa Đéc khá độc đáo, chính nó đã tạo nên một diện mạo, một đặc trưng đặc sắc trong lịch sử phát triển của đô thị này.

 Kiến trúc cổ ở Sa Đéc, trước hết nó là những công trình nhằm để phục vụ nhu cầu đời sống, sinh hoạt, sản xuất… của cộng đồng dân cư. Theo dòng thời gian, những công trình này đã được kiểm nghiệm không chỉ bằng những nghiên cứu khoa học mà chính công chúng đã thẩm định, xem đó là những giá trị mang tính nghệ thuật - thẩm mỹ, là nét văn hóa riêng của Sa Đéc. Mấy thế kỷ trôi qua, những công trình kiến trúc đó hiển nhiên tồn tại, được xem là nhân chứng, là bảo tàng sống có tính thuyết phục nhất về một giai đoạn lịch sử, có ý nghĩa và giá trị đặc biệt về văn hóa truyền thống, về đạo lý mà tiền nhân đã gửi gắm, đó là khát vọng, là niềm tin, là ước mơ và hoài bão….

 Những công trình kiến trúc cổ ở Sa Đéc còn lại bao gồm: kiến trúc tín ngưỡng, kiến trúc công quyền và kiến trúc dân dụng.

  Kiến trúc tín ngưỡng

 1. Đình: Vĩnh Phước, Tân Qui Đông, Tân Qui Tây, Tân Khánh, Tân Đông, Tân Phú Đông…

Phước Hưng tự, 1964.

Kiến An Cung, 1969.


 2. Miễu: Bà Chúa Xứ ở cầu Đình, phường 1, ở Cao Mên, phường An Hòa; miễu Ngũ Hành… - Chùa: chùa Hương (Phước Hưng Tự), chùa Phước Lâm, chùa Ông Quách (Kiến An Cung), chùa Bà…

 3. Nhà thờ: Hòa Khánh, Tân Qui; nhà thờ Tin Lành.

  Kiến trúc công quyền

 Là những công trình được xây dựng để làm trụ sở các cơ quan công quyền hoặc để phục vụ cho những nhu cầu công cộng, đến nay còn tồn tại, gồm:

 1. Tòa bố: Thời thực dân Pháp đô hộ, nó là nơi Quan Bố chánh làm việc, (hiện nay nằm trong khuôn viên Trường Dạy nghề Tỉnh Đồng Tháp).
Tòa Hành Chánh tỉnh, 1964.

 2. Dinh tỉnh trưởng: hiện ở ngay cổng Trường Dạy nghề Tỉnh Đồng Tháp).

 3. Ngân khố: Nơi cấp phát lương bổng của công chức thời Pháp thuộc (hiện nay là Câu lạc bộ Hưu trí Thị xã Sa Đéc).

 4. Sở Trường Tiền: Thời Pháp thuộc, nơi đây lo việc cầu, đường… của Tỉnh Sa Đéc cũ (nay là Ký túc xá của Trường Dạy nghề Tỉnh Đồng Tháp).

 Kiến trúc công dân sinh

 Là hững công trình phục vụ cho nhu cầu đời sống và sinh hoạt của nhân dân từ thời Pháp thuộc còn lại đến nay, cũng có khi chỉ còn là những dấu tích của một thời… đó là:

 1. Trường học: Trường Sơ học Pháp - Việt (nay là Trường Tiểu học Kim Đồng), Trường Nữ Tiểu học (nay là Trường Tiểu học Trưng Vương).
Cầu Đình, 1959.


 2. Cầu: Cầu Đình (nằm trên địa bàn Phường 1, gần đình Tân Qui Tây), được xây dựng từ năm 1928; cầu Cái Sơn 1 và 2 (tiếp giáp phường 1 và phường 2). Những cây cầu này có lối kiến trúc độc đáo của những thập niên đầu thế kỷ XX. 1.3.

  Kiến trúc nhà dân

 Là những công trình do nhân dân xây dựng, chủ yếu là nhà ở, gồm:

 1. Nhà trệt ở nông thôn: Gồm những ngôi nhà bằng gỗ, lợp ngói của những người giàu có ở Tân Phú Đông.

 2. Nhà trệt ở chợ: Gồm những ngôi nhà xây bằng gạch, lợp ngói của những thương nhân thành đạt, trí thức Tây học (nhà ông Đốc phủ Đảnh và Hương cả Tánh ở phường 1, nhà ông Huỳnh Thuỷ Lê ở phường 2, nhà bà Trần Thị Ngưu ở phường 4…).

 3. Căn phố trệt, phố lầu ở chợ: Gồm những ngôi nhà xây bằng gạch, có gác lầu bằng ván, lợp ngói của những người Hoa buôn bán ở chợ.

 4. Biệt thự cổ: Gồm những ngôi nhà xây bằng gạch, lầu đúc, lợp ngói, có sân, có vườn, có hàng rào kiên cố và có cổng sắt… của những công chức Tây học (nhà ông Tấn Sĩ Giung ở phường 4, nhà ông Bác vật Quản ở phường 3, nhà ông Huyện Nương ở phường 2).

 Các công trình kiến trúc cổ còn lại ở Sa Đéc được xây dựng phần lớn từ cuối thế kỷ XIX, những thập niên đầu của thế kỷ XX. Những công trình đó được xây dựng theo kiến trúc phương Đông, kiến trúc phương Tây, sự kết hợp của kiến trúc phương Đông và phương Tây, sự kết hợp và giao thoa giữa kiến trúc truyền thống Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc.

 Kiến trúc Phương Đông

 Về kiến trúc phương Đông, được chia làm hai loại: kiến trúc Trung Quốc và kiến trúc thuần Việt.

 1. Kiến trúc Trung Quốc mà chủ yếu là của người Phúc Kiến, với những công trình điển hình như: chùa Ông Quách, chùa Bà; những ngôi nhà hoặc những căn phố lầu ở chợ. Vật liệu xây dựng của những công trình này là gạch ngói, sắt thép và gỗ (tỷ lệ gỗ khá nhiều trong các công trình này). Bài trí của những ngôi nhà này, trước hết là bàn thờ Quan Công được đặt ở vị trí hết sức trang trọng; bao lam, thành vọng được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, được sơn son thếp vàng rực rỡ….

 2. Kiến trúc thuần Việt mà trước hết là những ngôi đình thần, theo mô - típ kiến trúc truyền thống của đình thần Bắc bộ, có vận dụng cho phù hợp với điều kiện phong thổ và địa lý của Nam bộ; vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ tốt; bài trí trang nghiêm; chiếm diện tích khá lớn và được xây dựng ở những nơi trung tâm của cộng đồng dân cư. Về nhà ở của loại kiến trúc thuần Việt này là những ngôi nhà trệt bằng gỗ ở nông thôn, được dựng theo kiểu ba gian, hai chái; mái lợp ngói âm dương, chiều ngang khá rộng, chiều dài tương đối; bài trí trong nhà trang nghiêm, trầm lắng bởi gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên và những đồ thờ, vật thờ, tủ thờ được chăm sóc chu đáo, cẩn thận.

 Kiến trúc Phương Tây

 Về kiến trúc phương Tây, nó bao gồm những công sở, những công trình công cộng và nhà thờ công giáo; vật liệu xây dựng là gạch, ngói, sắt thép… với những phù điêu đắp nổi, có nhiều cửa lớn và rộng, nền được tôn cao và lót gạch bông, tường dày khá kiên cố; thường được quét vôi màu vàng hoặc màu trắng. Đối với nhà ở theo loại kiến trúc này, hầu hết là biệt thự có lầu, có nhiều phòng rộng, trang trí trên tường và bài trí trong nhà rất thoáng, ngăn nắp… đây là loại kiến trúc theo trường phái Gô - tíc, Phục hưng có cách tân.

 Kiến trúc Đông - Tây

 Về kiến trúc có sự kết hợp Đông - Tây, đó là những ngôi nhà trệt ở chợ, đáng kể nhất là nhà của ông Hương cả Tánh, Đốc phủ Đảnh và bà Trần Thị Ngưu. Ở đó chúng ta bắt gặp những hoa văn, họa tiết, phù điêu đắp nổi và cả những chạm trỗ trên gỗ hoặc cẩn xà cừ với đề tài hoa, lá, chim, dơi, cá hóa rồng…. Có lẽ đó là những tác phẩm nghệ thuật của các nghệ nhân tài hoa khắp nơi trong cả nước hội tụ về đây. Bài trí trong nhà với nhiều vật dụng của Pháp, của Trung Quốc, của cả Việt Nam, từ cái đèn lồng, đèn thờ, đèn tạ đăng, bộ lư cho đến hoành phi, câu đối và cả bộ trường kỷ, cái ghế cây….

 Kiến trúc kết hợp Việt - Hoa - Tây
Nhà ông Huỳnh Thủy Lê

 Kiến trúc có sự kết hợp giữa Việt Nam - Trung Quốc - phương Tây, đáng kể nhất là nhà của ông Huỳnh Thuỷ Lê, đây là ngôi nhà của một người Hoa được xây dựng có sự kết hợp từ trong vật liệu xây dựng cho đến lối kiến trúc và cả ở bài trí nội thất. Từ mái ngói xuống đến cột kèo, đòn tay, rui, mè, bao lam, thành vọng, hoành phi, câu đối, cửa sổ, cửa cái với những chạm trổ công phu… tất cả như được gói gọn trong những đường nét, họa tiết, phù điêu, đắp nổi bên ngoài của kiến trúc phương Tây. Cũng là nhà ba gian như những ngôi nhà thuần Việt nhưng có sự cải biên, gian giữa thờ Quan Công rất uy nghi, bởi khám thờ được chạm trỗ cầu kỳ, sơn son thếp vàng. Tương tự như vậy, nhưng nhà của ông Trần Phú Cương lại thoáng hơn bởi diện tích sử dụng khá rộng, có nhiều phòng, đề tài chạm trỗ thường là mai, cúc, trúc, đào… không gian của nhà bếp, lẫm lúa còn nặng phong cách Nam bộ.

Phước Hưng tự, 1969.

 Chùa Hương (Phước Hưng Tự) cũng là một sự kết hợp của ba nền kiến trúc Việt - Hoa - Pháp, bởi nó được sáp nhập từ một ngôi chùa của người Hoa (Minh Hương) và một ngôi chùa của người Việt. Sau đó, được xây dựng lại, đến thời Pháp thuộc thì được trùng tu sửa chữa lớn. Mặt tiền của chùa được thiết kế “thượng song hạ bản” như những ngôi nhà thuần Việt, những phù điêu đắp nổi với đề tài hoa, lá thường thấy trong kiến trúc phương Tây lại hiện hữu ở mặt chính diện của ngôi chùa, mái lợp ngói âm dương mà ngay giữa mái có đắp hình “lưỡng long tranh châu”. Trong chính điện của ngôi chùa, bao lam, thành vọng được chạm trỗ tinh xảo, tất cả đều sơn son thiếp vàng như ta thường thấy trong những ngôi chùa của người Hoa.

 Nhìn vào kiến trúc, người ta có thể xét đoán được những luồng tư tưởng, chính kiến hay sự cách tân về phong tục, tập quán của một gia đình, của một dòng tộc, của một địa phương. Mấy trăm năm đã trôi qua trên mảnh đất Sa Đéc, mỗi khi nhìn vào những công trình kiến trúc cổ đó, hậu thế có thể đối thoại hoặc đồng cảm với tiền nhân. Nếu một ngày nào đó, những công trình này bị bỏ rơi, trở thành phế tích và dần mất đi, không bao giờ trở lại… nuối tiếc và đau xót cho những ai còn một chút thiết tha với di sản của tiền nhân.

Nguồn gốc địa danh Lai Vung


Ảnh: Cầu Lai Vung (cũ)

Người Khmer bản địa gọi loại cau khô rủ trên cây là Sla tamvun​ ​(ស្លា​ តម្ពូល), nên vùng này được họ gọi là Srôk Sla-Tamvum hoặc Phsar  Sla-Tamvun (ស្លា​ តម្ពូល). Người Việt phát âm thành xóm Xla Tam-Vung hoặc còn có một cách gọi khác, chợ Xla Tầm-Vung (ស្លា​ តម្ពូល).

 Cũng như nhiều địa danh gốc Khmer khác ở Nam kỳ, địa danh Lai Vung ra đời rất sớm và trải qua một số bước thăng trầm, như: bị phát âm sai, diễn dịch sang ngôn ngữ khác (chữ Hán, chữ Nôm và tiếng Việt) chưa chính xác, không được hiểu đúng ý nghĩa, khi trở thành địa danh hành chánh, thì cấp hành chánh mà nó mang tên thường thay đổi, có khi bị xóa tên, rồi lại khôi phục… Căn cứ vào một số tư liệu liên quan, chúng ta theo dõi những biến đổi trong quá trình sử dụng địa danh này, qua đó tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của nó.

 Có thể nói địa danh Lai Vung xuất hiện đầu tiên trên văn bản là trong quyển Gia Định thành thông chí (GĐTTC) của Trịnh Hoài Đức vào đầu thế kỷ XIX. Trong mục Sơn xuyên của trấn Vĩnh Thanh, sách này có hai nơi chép liên quan đến tên gọi Lai Vung. Ngày nay sách này có nhiều bản dịch, ở mỗi bản, tên Lai Vung được dịch khác nhau:

 Bản dịch của G.Aubaret (1863), trong quyển Histoire et Description de La Basse Cochinchine (Gia-Dinh-Thung-Chí), dịch: “Le Cuong Oai vulgaiement appelé Lai Vum” có nghĩa là “Cường Oai tục danh là Lai Vum”.

 Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo (1972):

 Trang 78, ghi: “Hồi Luân thuỷ tam kỳ (Ngã ba Nước Xoáy): tục goị là Nước Xoáy, ở địa phận thôn Tân Long. Phiá tây có ngòi nhỏ thông với sông Thủ Ô, cạn hẹp khó đi; nhánh phía bắc đi 33 dặm tới sông Sa Đéc; nhánh phía nam đi hơn 71 dặm qua kinh Cường Oai (tục gọi là Cái Dắt Lai Phong 丐 熄 來 [土葻 ]) , đến Kỳ Can (Cán Cờ), Thung Dung (Thông Dông), rồi đến sông Cường Oai ra sông Hậu; nhánh phía tây chảy 18 dặm cũng qua kinh Cường Oai chuyển theo ngòi Lưu Thuỷ rồi ra Hậu giang...”

 Trang 82, chép: “Cường Oai giang (強 歪 江) tục gọi là sông Lai Phong, rộng 15 tầm, sâu 18 thước ta. Thủ sở Cường Oai ở bờ bắc, ở đây chợ quán đông đúc, cách phía nam trấn 160 dặm rưởi, chảy xuống hướng phía đông 71 dặm đến mương nhỏ rồi nhập vào sông Hồi Oa, thông với sông Sa Đéc, rồi chảy ra sông Tiền

 Bản dịch của Lý Việt Dũng (2006):

 Trang 78: “...nhánh phía nam đi hơn 71 dặm qua kinh Cường Oai (tục gọi là Cái Tắc Lai Vung|丐 熄 來 [土葻]) , đến Kỳ Can (Cán Cờ), Thung Dung (Thông Dông), rồi đến sông Cường Oai ra sông Hậu...”

 Trang 84: “Cường Oai giang (強 歪 江) tục gọi là sông Lai Vung (來 [土葻])...”

 Trong Đại Nam nhất thống chí lục tỉnh Nam Việt (ĐNNTC), tập Hạ (An Giang-Hà Tiên) bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, ở mục sông Cường Oai, dịch giả dịch là sông Lai Phong [5].

 Trong khi đó bản dịch của Viện Sử học, do nhà xuất bản Thuận Hoá-Huế (2006) dịch nghĩa ra là con sông Lai Lễ [6] . 

 Theo Reneignements géographiques denandés aux province et nécessaires à la confection de la carte générale de la Cochinchine (S.L. 3927) do M.Bigrel thực hiện vào năm 1873, thì vào tháng 1-1873, tham biện (Inspection) Sa Đéc có 9 tổng với 73 làng. Trong đó tổng An Thới có 12 làng, trong làng Tân Lộc có chợ mang tên Lai Vung.

 Trong Cẩm nang thời sự tuế thứ Canh dần (1890): ghi hạt Sa Đéc có bảy chợ, chợ Lai Vung ở tổng An Thới.

 Trong Cẩm nang thời sự tuế thứ Kỷ mảo (1897), được Vương Hồng Sển trích đăng trong Tự vị tiếng Việt Miền Nam (TVTVMN), như sau:

  Mục nhà thơ-nhà dây thép (Bưu điện) Sa Đéc: có đặt tại chợ Lai Vum (làng Tân Lộc) một cơ sở.

  Mục chợ chính: Sa Đéc có 10 chợ, có hai chợ mang tên na ná nhau: Lái Vum (tổng An Hội), chợ Lai Vung ở tổng An Thới (TVTVMN, tr.224). Ở đây có lẽ cụ Vương ghi nhầm tổng An Thới thành An Hội, vì trên thực tế tổng An Hội xưa nay không có chợ nào mang tên Lái Vum và Lái Vum chính là chợ ở làng Tân Lộc của tổng An Thới.

 Trong Monographie de la province de Sadec,1903, chép: Sa Đéc có 9 tổng, ở tổng An Thới có chợ Lai Vum ở làng Tân Lộc, một trong 16 chợ chính ở Sađéc lúc đó.

 Nghị định Toàn quyền (NĐTQ) ngày 9/2/1913, đặt tỉnh Sa Đéc dưới quyền chủ tỉnh Vĩnh Long (tương đương một quận), có một viên chức hành chánh ngạch đại lý (délégateur) đại diện của chủ tỉnh Vĩnh Long đóng tại Sa Đéc; mặc dù trên nguyên tắc, Sa Đéc là một trong 20 tỉnh ở Nam kỳ, do NĐTQ ngày 20/12/1899 quy định.

 Đến ngày 01/4/1916, tỉnh Sa Đéc mới được chia thành ba quận : Châu Thành, Cao Lãnh và Lai Vung.

 Sau năm 1954, chánh quyền Ngô Đình Diệm, theo nghị định số 308-BNV/NC/NĐ ngày 8-10-1957, tỉnh Sa Đéc trở thành hai quận của tỉnh Vĩnh Long là Sa Đéc và Lấp Vò, tất cả có 20 xã.

 Năm năm sau bằng nghị định số 718-NV ngày 11-7-1962, hai quận này tách ra để lập hai quận mới là Đức Tôn và Đức Thành vẫn thuộc tỉnh Vĩnh Long.

 Đến ngày 24-4-1966, tỉnh Sa Đéc được thành lập lại với diện tích nhỏ hơn trước đây gồm 4 quận, 10 tổng và 36 xã cho tới năm 1975:

 1. Quận Sa Đéc có 13 xã.

 2. Quận Đức Thành (đổi tên từ quận Lai Vung) có 8 xã: Tân Thành, Long Hậu, Vĩnh Thới, Tân Hòa Bình, Hòa Long, Tân Phước, Long Thắng, Phong Hòa.

 3. Quận Đức Tôn có 7 xã.

 4. Quận Lấp Vò có 8 xã.

 Sau năm 1975, Quyết định 4-CP ngày 05/ 01/1981 của Hội đồng Chính phủ, đổi tên quận Lấp Vò thành huyện Thạnh Hưng.

 Đến năm 1989, Quyết định 77-HĐBT ngày 27/06/1989 của Hội đồng Bộ trưởng: chia huyện Thạnh Hưng ra thành hai huyện lấy tên là huyện Thạnh Hưng và huyện Lai Vung. Theo đó, huyện Lai Vung có 11 xã Định Hoà, Hoà Long, Hoà Thành, Long Hậu, Long Thắng, Phong Hoà, Tân Dương, Tân Hoà, Tân Phước, Tân Thành, Vĩnh Thới gồm 23.864 hécta và 142.267 nhân khẩu. Huyện lỵ đặt tại xã Hoà Long.

 Diển trình trên cho thấy khởi điểm có thể tên Lai Vung hình thành bắt đầu từ chợ và sông mang tên Lai Vung, vì GĐTTC của Trịnh Hoài Đức ghi chép những địa danh có từ trước thế kỷ XIX. “Cường Oai giang tục gọi là sông Lai Vung, rộng 15 tầm, sâu 18 thước ta. Thủ sở Cường Oai ở bờ bắc, ở đây chợ quán đông đúc, cách phía nam trấn 160 dặm rưởi, chảy xuống hướng phía đông 71 dặm đến mương nhỏ rồi nhập vào sông Hồi Oa, thông với sông Sa Đéc, rồi chảy ra sông Tiền”.

 Cách đặt tên sông rạch phổ biến ở Nam kỳ là thường căn cứ vào đặc điểm của nó hoặc vùng lân cận nó. Như trên bờ rạch có nhiều tre, rạch đó thường mang tên rạch Cái Tre; hay rạch có nhiều tôm hay có khúc uốn cong như con tôm, thì nó có tên là rạch Tôm hay rạch Cái Tôm; trên bờ có chợ, dứt khoát nó thường mang tên chợ đó, như sông Sa Đéc có chợ Sa Đéc và sông Cao Lãnh có chợ Cao Lãnh...Trên bờ sông Lai Vung có chợ Lai Vung.

 Như vậy tên chợ Lai Vung có trước và trở thành tục danh của sông Cường Oai.

 Sở dĩ có sự xuất hiện một số tên gọi khác bên cạnh tên Lai Vung, như: Lai Phong, Lai Lam, Lai Lễ, Lai Vum, Lái Vum... là do người phiên dịch từ văn bản chữ Nôm sang quốc ngữ, lầm lẫn tự dạng của bản chữ Nôm và cũng có thể chưa am tường văn hoá lịch sử địa phương. Về vấn đề này, học giả họ Vương, nhận xét: “Trong bản dịch GĐTTC tập 1, trang 84, Nguyễn Tạo không rành tiếng địa phương và cứ coi theo sách dịch ra, nên Cái Tắt Lai Vung, ông dịch : Cái Dắt Lai Phong, do đó người đọc, không ai hiểu gì cả.”

 Riêng hai từ Lai Vum và Lái Vum, có thể do người Pháp dựa theo bản dịch của G.Aubaret mà ra.

 Bản đồ làng Tân Lộc xưa (nay là xã Tân Thành), với rạch Lai Vung nối sông Hậu tới xã Long Hậu. Vàm Tắc Lai Vung, có nơi viết là Kinh Thủy, chính là Cái Tắc Lai Vung, nơi mà Tu Trai Nguyễn Tạo dịch thành Cái Dắc Lai Phong

 Chợ Lai Vung nằm trong thôn Tân Lộc. Theo Địa bạ tỉnh An Giang (ĐBAG), thôn Tân Lộc cùng với thôn Long Hậu thuộc xứ Vu lai, thuộc tổng An Phú, huyện Đông Xuyên, có địa giới tứ cận như sau:

 -Đông giáp thôn Tân Phong (tổng An Trường huyện Vĩnh An).

 -Tây giáp thôn Định An.

 -Nam giáp sông Cái (sông Hậu)

 -Bắc giáp thôn Long Hậu.

 Diện tích thực canh: 4336,3 mẩu ta , gồm 480 sở. Sơn điền: 3632 mẩu Thổ canh 713 mẩu, trong đó có tới 576,5 mẩu trồng cau, trong khi tòan huỵên chỉ có 612,2 mẩu ( ĐBAG, tr 221-234).

 Theo Monographie de la province de Sadec 1903, Sa Đéc có tới 2.848 hecta trồng cau, trong khi dừa chỉ chiếm 730,50 hecta. Cau trồng tập trung ở làng Tân Lộc. Điều đó cho thấy Tân Lộc là nơi trồng cau nhiều nhứt trong vùng và chợ Lai Vung là nơi tập trung cau trong vùng bán đi nơi khác. Người ta ăn trầu với cau tươi hoặc cau khô. Cau tươi không giữ lâu được, để bán đi xa, cau phải được sơ chế bằng cách xắt mỏng, luộc rồi phơi khô. Dân trồng chuyên nghiệp ở Nam kỳ ngày trước thường chia cau ra nhiều loại, trên dưới khoảng 20 loại tuỳ theo đặc điểm của cây hoặc trái như sau:

 1. Cau đầu ruồi: trái cau mới nhú ra (hoa cau).

 2. Cau đậu: cau khô dính hạt.

 3. Cau điếc: cau không có hạt.

 4. Cau đóng vóc: trái cau gần đặc ruột.

 5. Cau hoa: cau còn non trái nhỏ

 6. Cau hoa tai: miếng cau khô nhỏ mà cong queo.

 7. Cau lại buồng: buồng cau có một vài quả quặt quẹo (cau đèo, cau điếc) Trầu không cắt ngọn têm chuông, Cau hoa lại buồng chẳng lấy được nhau.

 8. Cau liên phòng hay truyền bẹ (luôn bẹ): thứ cau có trái bốn mùa, cứ mỗi bẹ có một buồng.

 9. Cau lòng tôm: cau rỗng ruột mà đỏ.

 10. Cau lừng: cây cau già cỗi, ít cho trái.

 11. Cau ớt: thứ cau nhỏ trái.

 12. Cau tiên đầm: cau non ruột xốp có nước.

 12A. Cau tum: thứ cau khô miếng nhỏ.

 14. Cau Xiêm: thứ cau lớn cây lớn trái.

 15. Cau rừng: thứ cau nhỏ cây, nhỏ trái.

 16. Cau dầy: trái cau chắc ruột.

 17. Cau già: trái cau đã cứng ruột.

 18. Cau mình: cau khô có xác có ruột.

 19. Cau xác: cau dùng xác, không có hột.

 20. Cau tầm vun: để cau chín khô nguyên buồng trên cây mới hái xuống.

 Ngoài dùng để ăn trầu, cau còn là chất phụ gia quan trọng trong nghề nhuộm. Để trái cau chín khô trên cây, nước chát của nó mới đủ độ cầm màu. Sau khi hái xuống, tách lấy hột. Nếu chưa đủ khô phải phơi tiếp, mới thành phẩm. Hột cau tầm vun rất cứng, dùng búa đập mới bể.

 Trong chiến tranh Tây Sơn-Nguyễn Ánh trên đất Nam kỳ (1776-1789), Nguyễn Ánh lập căn cứ ở Nước Xoáy (Long Hưng), khi bị quân Tây Sơn bao vây, đã chế ra khẩu đại bác bằng gỗ dùng hột cau khô loại này đánh đuổi được quân Tây Sơn.

 Tân Lộc là nơi trồng nhiều cau, có chợ bán cau, nổi tiếng với loại cau để chín khô trên cây. Ngừơi Khmer bản địa gọi loại cau khô rủ trên cây là Sla tamvun, nên vùng này được họ gọi là Srôk Sla tamvun hoặc Phsar Cla Tamvun. Người Việt phát âm thành xóm /Xla Tam Vung/ hoặc còn có một cách gọi khác, chợ /Xla Tầm Vung/.

 Qua năm tháng dưới sự tác động của khuynh hướng thịnh âm và giản lược của ngôn ngữ: |Xla Tầm Vung| lược bớt âm |Tầm| biến thành Xla Vung, rồi Việt hoá, bỏ âm |X| của |Xla| và nói trại đi thành |Lai|; để cuối cùng trở thành Lai Vung cho dễ nói.

 Như vậy, tên gọi Lai Vung là một địa danh có nguồn gốc từ ngôn ngữ Khmer, được Việt hoá dưới dạng phiên âm toàn phần, tự nó không có nghĩa gì cả. Để ghi vào giấy tờ, văn bản, các cụ ta mượn âm (Nôm, hoặc Hán) của chữ 來 để ghi âm tiếng |Lai| và ghép bộ thổ 土 vào chữ bông 葻 (chữ Nôm) thành [土葻] để ghi âm tiếng |Vung|. Chữ |bông| Nôm 葻 có tự dạng na ná như chữ |lam| Hán 嵐, nếu không chú ý dễ lầm lẫn; do đó có người phiên âm Lai Vung thành Lai Lam. Ở đây các cụ ta mượn chữ |bông|, để sử dụng âm |ông # ong| ghi âm cho |ung| của |Vung| trong Lai Vung, vì trong một số trường hợp của tiếng nói Việt ta, các nguyên âm o,ô,u có thể thay thế nhau, như: bung ra = bong ra, thung dung = thong dong, bệnh phung cùi = bệnh phong...

 Trước đây cũng có một số giả thuyết giải thích về nguồn gốc tên gọi Lai Vung, cho rằng địa danh Lai Vung, bắt nguồn từ tiếng Khmer, như:

 1. Prey thum: có nghĩa là rừng lớn

 2. Tonplé thum: có nghĩa là sông lớn.

 3. Prek thum: có nghĩa là rạch lớn.

 4. Sla kpong: Bến Cau.

 Các giả thuyết trên không có cơ sở lịch sử, còn giả thuyết thứ tư không phù hợp với cấu trúc ngôn ngữ Khmer. Vì Bến Cau tiếng Khmer phải nói là Kompong Sla. Do đó, cả bốn giả thuyết đều khiến cho người nghe khó chấp nhận.

 Tên gọi Lai Vung ra đời trong buổi đầu khai hoang mở cõi bên bờ sông Hậu, ghi đậm dấu ấn lịch sử trong diễn trình xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới với thành quả đầy sáng tạo trong nông nghiệp: đào mương lên liếp lập vườn trồng cau. Một trong hai hoạt động kinh tế chính của Nam kỳ lúc bấy giờ.

 “Gia Định nhứt Thóc nhì Cau

 Nhưng đến nay cả Nam kỳ có mấy nơi dùng cái tên sản phẩm nông nghiệp làm tên gọi cho quê hương mình! Cái tên Srôk Sla tamvun, xứ Cao Tầm Vung, xóm Lai Vung, chợ Lai Vung đã đi vào lòng đất, tình người từ bao đời qua. Trong diễn trình hành chánh qua nhiều chế độ chánh trị như; thời quân chủ, thời Pháp thuộc, miền Nam và miền Bắc chia đôi rồi lại thống nhứt như hiện nay, dù hai chữ Lai Vung khi hiện diện trên văn bản, khi biến mất; nhưng trong lòng người Lai Vung, người đồng bằng sông Cửu Long nó vẫn bàng bạc trong lời ăn tiếng nói, trong giao tiếp hàng ngày…

 Tuy chợ ngày xưa không còn mang tên Lai Vung, nhưng huyện Lai Vung đang trên đà phát triển. Chợ Lai Vung mới thay thế cho tên chợ Hòa Long cũ tọa lac tại thị trấn Lai Vung với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng; người, xe khắp nơi, đến đi tấp nập, đặc sản mang tên nem Lai Vung, quýt Lai Vung...) theo đó đến mọi miền đất nước. Chợ Lai Vung xưa, nay mang tên mới là Chợ Tân Thành. Năm 2009, được xây cất lại khang trang bên bờ sông Lai Vung, ngày đêm vẫn âm thầm mang phù sa tưới ruộng đồng toàn huyện như thở nào.

 Nếu huyện Lai Vung có làm biểu tượng, huy hiệu cho huyện, thiết nghĩ chắc không có hình ảnh nào đắc ý hơn Cây Cau.

 Nguồn: Huỳnh Hữu Hiếu hội sử học Đồng Tháp.

Danh sách bài đăng