Tỉnh Sa Đéc

Kết quả tìm kiếm

Sa Đéc Mậu Thân 1968



SA ĐÉC Mậu Thân 1968
Ảnh: Huy hiệu Thám sát 9.


 Trong gia đình tôi, người đàn ông duy nhất không khóac áo lính là ông cụ tôi, còn lại tất cả năm anh em đều tình nguyện đi lính hết, cộng thêm hai ông con rể cũng lính nữa, mà lại là lính tác chiến hết trơn hết trọi. Khỏi nói ra, bà cụ tôi là cứ lo ngay ngáy, cứ xách giỏ đi hết tiền đồn này đến quân y viện nọ để thăm con. Ông cụ tôi, phần thì ốm yếu, phần từ ngày trốn thoát vụ cải cách ruộng đất, người cứ ngơ ngẩn như mất hồn, mang vết hằn của cộng sản cả phần đời còn lại. Khó ai mà mời được Ba tôi xa nhà. Có lẽ đó là lý do, anh em tôi bị ảnh hưởng, và không ai muốn khoan nhượng cộng sản. Vậy mà gần Tết Mậu Thân, Ba tôi nghĩ sao lại nhỏ nhẹ hỏi vợ tôi:- Năm nay nếu con có đi thăm chồng con thì dắt Ba đi theo với.Thật là hi hữu vì lần đầu tiên Ba tôi phá lệ, đi ủy lạo một trong những thằng con lính tráng. Vợ tôi vừa sanh cháu đầu lòng, muốn đi, nhưng kẹt con nhỏ nên ngại nói, nghe Ba tôi nói vậy, cô nàng mừng húm, vội gởi cháu cho bà nội, dắt díu ông cụ tôi ngay sáng sớm, trực chỉ bến xe Phú Lâm đi miền Tây. Tôi đang làm việc trong văn phòng, nghe vợ tôi gọi điện thọai nhờ từ đồn quân cảnh ở đầu tỉnh Sa Đéc, là chỗ căn cứ đóng quân của đơn vị Trinh Sát 9 (hậu thân của Thám Báo), tôi cũng ngạc nhiên khi hay tin cô nàng của tôi xách giỏ “trăm dậm tìm chồng” còn có cả Ba tôi.
Gần ngày Tết, tình hình chiến sự bớt sôi động, nhưng có vẻ yên giả tạo, vì tự nhiên các đồn bót địa phương dù hẻo lánh cũng không bị địch quấy phá, nên càng cận Tết Trinh Sát 9 (TS9) càng cảnh giác đề phòng. Các tóan quân báo viễn thám phải thường nằm lại các điểm nghi ngờ để dò sự chuyển quân của địch trong đêm. Binh sĩ trong căn cứ cũng được lệnh cấm trại 100%, không ai đi phép, chỉ trừ một mình Hạ Sĩ I Nguyễn Chí, ông này đã đến tuổi giải ngũ, nên được nghỉ phép giải ngũ sớm để về ăn Tết cùng gia đình ở Gò Vấp, Gia Định.
 Tối 30 Tết, ngòai đường vắng tanh, dân chúng đều rút vô nhà đóng cửa, chờ đón giao thừa. Các toán họat động xa cho biết không phát giác ra dấu hiệu gì động tĩnh, nên khỏang 9 giờ tối được lệnh rút về lại gần quanh đơn vị. Tôi, Ba tôi, và bà xã vẫn còn ngồi nói chuyện trong văn phòng và nghe ngóng tin tức anh em họat động bên ngòai, dự định qua giao thừa thì rút anh em về. Tiếng máy từ phòng truyền tin bên cạnh vẫn rè rè, chứng tỏ các toán đi ngoài không phát hiện gì hay chạm địch. Khỏang 10 giờ đêm gần giao thừa, Trung Sĩ 1 Nguyễn Văn Chỉnh, đốc canh gõ của phòng tôi và báo tin:
  Báo cho Đại Úy biết là vọng gác ngòai bờ sông cho biết có xuồng câu từ trong “Vàm” (Long Hưng, Nước Xóay) thả xuống, báo tin “Chúng nó gánh bánh tét (địch có trang bị vũ khí nặng) về đông lắm và sẽ tấn công Bộ Tư Lệnh Sư Đòan 9 (BTL/SĐ9).
Ảnh: Bộ tư lịnh Sư Đoàn 9.

 Ngay lập tức TS9 âm thầm báo động, 10 phút sau đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Khi tôi trở lại phòng gặp Ba tôi thì vợ tôi cũng đồ trận, giầy saut sẵn sàng, trong đơn vị chỉ có Ba tôi mặc đồ áo dân sự ngồi im lặng trong văn phòng, chỗ Ba tôi kê ghế bố ngủ tại đó, mặt lo lắng. Tôi nói với Ba tôi và vợ tôi trước khi ra khỏi văn phòng:
  Ba và em vô phòng truyền tin ngồi với các anh em binh sĩ truyền tin cho an tòan (phòng này khá kiên cố), anh em trong đơn vị ai cũng biết em nên em lãnh thêm phần liên lạc viêm giữa trung tâm truyền tin (đơn vị) với các trạm gác phòng thủ căn cứ, trong trường hợp gia đình binh sĩ từ trại gia binh rút vô căn cứ thì em sẽ ra trấn an họ. Tôi nói vậy thôi chứ mấy bà cô vợ Trinh sát thì cô nào cô nấy cũng rất can đảm và nếu cần chiến đấu thì họ cũng không kém gì các ông chồng của họ, (tôi biết được vì khi đi thăm trại gia binh thấy các cô ngồi lau chùi vũ khí cho chồng sau khi hành quân về, trong khi các ông chồng thì khề khà bên chai bia hay xị đế, vì chồng là lính nên em mới phải chùi súng! Có lẽ “Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”.)
 Nói xong tôi ra trước sân cờ điểm danh quân số. Đơn vị chỉ vắng mặt Binh I Nguyễn Xuân Ký, nhân viên văn phòng. Dù đã biết trước cố vấn sẽ không trở lại đơn vị, tôi vẫn lên máy gọi cho anh Muller Thyme, Đại Úy trưởng tóan cố vấn TS9, và hỏi xem tóan anh có trở lại đơn vị hay không, nếu anh trở lại thì tôi chờ, còn không thì đơn vị sẽ rời khỏi căn cứ ngay, TS9 luôn chủ trương tấn công hơn là thế phòng thủ chờ địch, vì thế các đơn vị bạn gọi TS9 là “đơn vị nhất chín nhị bù” , may mắn TS9 tòan gặp chín nút cả. Thay vì trả lời Yes hay No, anh ta lập lại là tóan của anh được lệnh từ Đại Tá Cố vấn Sư Đòan, án binh bất động vì hưu chiến.
 Vì có những sự kiện xảy ra từ trước như: (1) đơn vị bị giới hạn chỉ được dự trữ tối đa 2 đơn vị hỏa lực, thặng dư phải hòan trả Phòng Tư. Để triệt để thi hành lệnh, một phái đòan Thanh Tra do Tổng Tham Mưu tới thanh tra quân số và vũ khí đơn vị, (2) Tóan cố vấn Mỹ nhắc nhở trước là trong thời hưu chiến họ sẽ không trở lại đơn vị, dù đơn vị có đi hành quân, hay bị địch tấn công trong khi hưu chiến, như cố ý, anh kể lại chuyện hưu chiến Christmas hồi Thế chiến II và trận đột kích của đồng minh đã bắt tòan bộ sĩ quan Tham mưu Đức (Germany) vài giờ trước giờ hưu chiến có hiệu lực (tóan cố vấn này vẫn thường xuyên ở chung trong đơn vị, sao tự nhiên lại rút về BTL/SĐ?) (3) địch (VC) rải truyền đơn hưu chiến để dân chúng có thể đi lại tự do trong dịp Tết, khuyến khích đốt pháo mừng xuân, và còn có chuyện lạ là mời TS9 chơi bóng chuyền giao hữu với chúng (ở đâu thì không nói). Địch đã ấu trĩ đánh giá trình độ hiểu biết của Quân đội VNCH. Dựa vô vài sự kiện trên, ai cũng có thể suy đóan ra việc gì có thể xảy ra, và cái gì đã xảy ra giữa đồng minh Mỹ và VC (tôi không tin cấp lãnh đạo và quân lực VNCH không biết hay đánh hơi sự bất thường này), TS9 hồi nào đến giờ họat động biệt lập và độc lập, không lệ thuộc nhiều vô cố vấn Mỹ, ngoại trừ dọn bãi đáp và tản thương. Kể từ khi tiếp tế đạn dược bị giới hạn thì tôi biết vận mạng miền Nam cũng có lẽ giới hạn, sự yểm trợ của đồng minh không phải vô tận. Dù chỉ là ước đóan, có cố vấn hay không, TS9 vẫn trong trách nhiệm và khả năng vẫn cố chu tòan nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ.
 Vì đoán trước có ngày này nên đơn vị vẫn đơn phương xuất quân như thường lệ. TS9 liên lạc cho Phòng 2 (P2 tình báo), và Phòng 3 (P3 hành quân) của sư đòan, báo tin là địch sẽ tấn công Bộ Tư Lệnh Sư Đòan 9 (BTL/SĐ9) và cho biết tôi sẽ mang đơn vị về bảo vệ. Đầu giây bên kia chỉ nghe tiếng sĩ quan trực lên tiếng, mà không nghe thấy các cấp có thẩm quyền cao cấp nào từ BTL/SĐ9 lên tiếng, sự im lặng này là một điều lạ khi địch tấn công BTL mà không thấy cấp chỉ huy nào lên máy. (Lúc này ngòai các đơn vị Địa phương quân đóng xung quanh tỉnh ra thì chỉ còn có TS9 là đơn vị chủ lực đóng phía tây bắc và cách xa BTL/SĐ9 độ 3 km.)
 Sau khi chúng tôi rời căn cứ, binh sĩ phòng thủ còn ở lại, kéo thêm kẽm gai concertina tăng cường cho những con ngựa kẽm gai và những chỗ hiểm yếu mà địch dễ tấn công vô, quân xa cũng được tản ra các địa điểm dự trù, súng cối, hàng rào điện tử cũng sẵn sàng khi địch tấn công, trại gia binh cũng được báo động để sẵn sàng di tản gia đình vào hậu cứ để binh sĩ hành quân bên ngòai được yên tâm.
 TS9 rời căn cứ đi dọc theo liên tỉnh lộ Sa Đéc – Bắc Cao Lãnh, tiến thẳng về BTL/SĐ9, với cách di chuyển này đơn vị sẽ nhanh chóng dàn quân sang hai bên để khóa địch tấn công hay chặn đường rút lui của địch (Bộ Tư Lệnh đóng trên một doi đất, một bên là Kinh Sáng Sa Đéc, một bên là sông Tiền Giang). Vừa ra khỏi cửa, tôi nghe tiếng Thiếu Tá Trung, Tỉnh trưởng Sa Đéc lên máy gặp tôi và ông báo động:
  Chúng tôi có 2 tiểu đòan địa phương quân giữ tỉnh, coi chừng các anh có thể bắn lầm địa phương quân giữ an ninh tỉnh trong dịp Tết!!. Chuyện này có vài nghi vấn: a.) Trước đó ít ngày, Thiếu Tá Mẫn (K14 hay 15 VB/ĐL), Quận Trưởng quận Châu thành có gặp tôi và nhờ yểm trợ các đồn bót địa phương quân xung quanh tỉnh khi họ bị tấn công, như vậy chắc chắn họ sẽ không ra khỏi đồn trong đêm. b.) Chắc chắn là không có chuyện anh em địa phương quân canh giữ BTL/SĐ. c.) Lộ trình tiến quân của TS9 là trong tỉnh, không có đồn bót nào cả, có lẽ Thiếu Tá Trung chưa bao giờ ra khỏi tư dinh chăng!! Lúc này tôi bắt đầu hơi ngạc nhiên là các sĩ quan cao cấp sư đòan ở đâu mà lại để tỉnh trưởng lên tiếng báo động không ăn nhập gì cả đến chuyện địch sắp tấn công cả.
 Khi TS9 tiến còn cách BTL sư đòan độ 500 thước, xa xa đã thấy lờ mờ ánh sáng yếu ớt của BTL trên nền đen của đêm 30. Lúc này khỏang 10 rưỡi đêm 30. Tất cả đơn vị im lặng vô tuyến, Ban Chỉ huy đi giữa đường, hai bên đường là Trung đội 2 của Trung Úy Woòng A Sáng với 2 xạ thủ đại liên M-60 (mới bí mật trang bị, cấp trên không biết mà địch cũng chẳng hay). Binh sĩ trong tình trạng chiến đấu nên rất thận trọng di chuyển. Một xạ thủ đại liên bên phải thấy phía trước độ 20 thước, bóng rất đông người đứng đầy trên đường, vài người di chuyển qua lại, anh ta cất tiếng hỏi:
– Ai đó?
Đám đông người đối diện đứng đen trên đường (khỏang giữa BTL/SĐ9 và TS9) cất tiếng trả lời:
– 43 Biệt Động Quân.
Tôi vội ra lệnh lớn:
– Bắn!!!
 Lập tức 2 khẩu M60 đi đầu khai hỏa dọc theo hai bên lề đường và cứ thế 11 cây M-60 từ các tiểu đội thay phiên nhau tiến lên bắn xéo, đan qua đan lại, hết tiểu đội này đến tiểu đội khác, hết khẩu này đến khẩu kia để địch không có thể phản pháo lại. Vì nhà của dân chúng san sát hai bên đường nên không thể xử dụng M-79 hay M-72 lúc này. Độ 15 phút sau thì tôi cho lệnh ngưng bắn, tình hình hòan tòan yên tĩnh trở lại với bóng đêm, tôi biết địch bị cú bất ngờ khi còn đang tập trung giữa đường để chuẩn bị tấn công vô tư dinh của các sĩ quan chỉ huy cao cấp ở hai bên đường (sau tư dinh Chuẩn Tướng Tư Lệnh,) và BTL Sư Đòan. Điều mà địch không ngờ là hỏa lực của TS9 đã áp đảo tinh thần và làm chủ tình hình ngay từ khi địch lên tiếng trả lời. Không tên địch nào có thể bắn trả lại được một tiếng, vì hai bên đường là mương cạn và nhà của dân chúng lại đóng chặt cửa im lìm, nên địch không có chổ nào lẩn trốn hay ẩn núp.
 Nghe tiếng súng nổ rền của TS9 khai hỏa, địch từ bên kia bờ sông đối diện (phía đồn Địa Phương Quân Nàng Hai) bắn đại liên qua hậu cứ TS9 (có lẽ địch tưởng lầm các đơn vị của chúng đã tấn công BTL/SĐ9 rồi, nên bắn sang căn cứ để cầm chân TS9 cho đơn vị của chúng tấn công BTL Sư đòan, nhưng địch không dè hầu hết tòan lực chủ lực của chúng đã bị TS9 tiêu diệt ngay khi chưa kịp dàn quân phía sau tư dinh Chuẩn tướng Tư lệnh SĐ và không xa BTL/SĐ9. Để đánh lạc hướng địch, tôi cho lệnh ở căn cứ ở nhà bắn đại liên 30 cầm chừng cả đằng trước lẫn phía sau nhưng chếch lên trời để khỏi thiệt hại dân chúng và nhà cửa (vì địch núp gần nhà dân chúng), mặt khác nghi binh là TS9 hãy còn kẹt ở trong hậu cứ, và bị giới hạn hỏa lực.[1])
 Trận chiến trong tỉnh trở nên phức tạp khi dân chúng trong thành phố và phụ cận nghe tiếng súng lại đua nhau đốt pháo theo, đồng thời các đồn bót địa phương quân quanh tỉnh cũng nổ súng nên rất khó phân biệt địch đang tấn công những địa điểm nào và từ hướng nào. Tôi phải liên lạc với Tỉnh trưởng và yêu cầu ra lệnh cho các đồn bót nào địch không tấn công thì không được bắn kẻo chúng tôi sẽ tấn công lầm, nhờ vậy tiếng súng của địa phương quân chỉ còn lác đác.
 Biết chắc chắn địch bị thiệt hại nặng và không còn khả năng tấn công BTL/SĐ nữa, phần vì đêm tối khó nhận diện, và tránh gây thiệt hại đến sinh mạng và tài sản dân chúng, nên TS9 không vội truy kích, cả đơn vị lui trở lại đường ngang, chỗ này nhà thưa, địa thế trống trải và dễ bủa lưới ngang, chờ trời sáng bắt những tên địch còn sống sót tìm đường tẩu thóat. Mặt khác, việc nằm chặn ngang này cũng dễ dàng tấn hay lui bảo vệ cả BTL/SĐ lẫn hậu cứ TS9 nếu địch còn lớp khác.
 Vợ tôi ở trong căn cứ vẫn theo dõi tin tức đơn vị từ đầu, khi nghe tin địch bị tiêu diệt hòan tòan mà bọn chúng không bắn trả lại được dù chỉ một tiếng súng, hiện đơn vị đang dàn hàng ngang ở đường ngang để chờ tóm cổ những tên địch còn sống sót, nghe vậy cô nàng hứng chí, lên máy xin ra chỗ đơn vị đóng quân để cùng bắt việt cộng. Sở dĩ cô nàng dạn dĩ vì năm 1966, lúc tôi còn ở Đại Đội 3, Tiểu Đòan 2/15, cô nàng và nữ ca sĩ Mai Chi (đài phát thanh Long Xuyên, bạn gái của Thiếu Úy TTDũng, hiện ở DC) thường hay tháp tùng đơn vị hành quân trong vùng núi Thất Sơn, Châu đốc. Lúc đó cô nàng vác súng carbine, nhưng không khí vùng núi Thất Sơn, ngày nóng đêm lạnh, đi vài cây số là cô nàng mặt mày nguếch ngoác mồ hôi, mặt mũi lem luốc, nên lần này tôi cho ra quân, nhưng với điều kiện chỉ được vác . . lựu đạn, sau đó tôi nhờ Hạ sĩ Mã Phát về hậu cứ đón vợ tôi ra chỗ đơn vị đang bủa lưới ngang chờ địch rút chạy. (địch không thể băng sông đào thóat, nên chỉ còn độc lộ về hướng TS9 án ngữ.)
 Đến khỏang 5 giờ sáng Mồng 1 Tết Mậu Thân, địch cõng theo những thương binh tử sĩ của chúng, tháo chạy hàng một ra từ các hẻm giữa hai căn nhà của dân chúng, tính mở đường máu, băng ngang lộ (nơi TS đang án ngữ bên kia đường), để tẩu thóat về hướng Rạch Dầu, nhưng lập tức bị đại liên từ hai bán tiểu đội của Trung sĩ I Gương và Trung sĩ I Kiên bắn sâu táo nên lập tức dội ngược lại các hẻm. Kể từ phút này, địch biết hết đường thóat, tất cả mất tinh thần, mạnh ai nấy chạy hỏang lọan tìm đường ẩn trốn không còn nghe lệnh ai nữa. Chúng mất tinh thần đến nỗi, hễ thấy ai mặc đồ quân phục là vội giơ tay đầu hàng ngay để khỏi bị bắn. Đến 6 giờ sáng, mọi người đã có thể nhận rõ được nhau mà không sợ bắn lầm phải dân chúng, TS9 bắt đầu siết vòng vây và lục sóat. Hầu hết địch bỏ súng đầu hàng, vài tên lủi trốn trong các nhà máy xay lúa Việt Nam, Hiệp Hòa, Nam Thành đều bị dân chúng phát giác và hướng dẫn đi bắt, một số trốn sau vườn nhà dân chúng và kháng cự đều bị tiêu diệt.
 Đến 7 giờ sáng mùng một Tết Mậu Thân: số tù binh địch bị bắt sống đã trên 200 tên, chia ra làm 2 thành phần:
 a.) Thành phần VC chính quy thì đưa về tạm giam tại hậu cứ của TS9, ở đó chờ quân báo đơn vị khai thác sơ khởi trước khi giải giao cho P2 điều tra, thành phần này gần 200 tên, giao cho bà xã tôi (lính không quân số, bất đắc dĩ và không biết giao cho nhiệm vụ gì), cô nàng bắc ghế ngồi trên thềm cao, trước cửa văn phòng canh giữ. Vì chỉ có một mình vợ tôi coi tù binh, nên đây là lần đầu tiên tù binh bị bịt mắt và cột tay, họ ngồi chật trước sân cờ đơn vị. (tôi không bao giờ cho trói hay bịt mắt tù binh, dù nhiều lần số tù binh bắt được còn đông hơn quân số đơn vị, như trận Thới Hòa, Tam Bình, TS9 tiêu diệt Tiểu đòan pháo yểm trợ 6 tỉnh miền Tây của địch.)
 b.) Thành phần hùa theo có khỏang 80 tên, là học sinh của Trường Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, tất cả còn nhỏ tuổi, mặc đồng phục học sinh với bảng tên, tôi bắt nằm sấp ngang đường dài và dọc theo bờ sông Sa Đéc, chân hướng bờ sông, đầu hướng vô nhà dân chúng để mọi người nhận mặt. Vũ khí tịch thu được của đám này thì tòan bá đỏ (K2), được bó thành từng bó 10 cây một cho dễ đếm, bên cạnh là những bọc đạn rời.
 Trong lúc này có một anh Thiếu Úy thuộc Sư Đòan đến nói với tôi là tôi bắt lầm em gái của anh ta. Tôi hỏi là người nào vậy? Anh ta chỉ một nữ sinh nằm giữa những học sinh này. Tôi coi lại và mỉm cười hỏi lại anh ta:
– Em của anh đi chúc Tết ai mà lại mang bá đỏ và cả bọc đạn vậy?
– Đâu có!!
Tôi mỉm cười hỏi lại anh ta:
– Vậy súng ở trên đầu cô bé là ở đâu ra? Tại sao đi chúc Tết mà hai vai áo téteron sờn rách hết và bầm đỏ, có phải là đeo súng vác đạn nặng không? Đi chúc Tết tại sao guốc dép ở đâu mà lại đi chơn đất hết trơn vậy? và tại sao đứa nào cũng ướt đến đầu gối vậy? Có phải là lội mương sau hè nhà hay không? Nghe tôi hỏi một hồi, anh ta sợ quá lủi vô đám đông dân chúng đứng xem đầy hai bên đường mất. Tù binh quá nhiều nên tôi cũng không buồn giữ anh ta làm gì.
 Cái khó khăn cho TS9 là suốt từ lúc đêm giao thừa cho đến giờ tiếng pháo đón xuân vẫn không ngớt nên dễ lẫn lộn với tiếng súng địch còn sót cầm cự, binh sĩ phải nhiều lần kêu gọi mọi người đừng đốt pháo kẻo bị bắn lầm. Trong lúc vừa giao tranh dân chúng hiếu kỳ vẫn chạy theo sau phụ tìm bắt địch nên rất nguy hiểm cho họ, mỗi khi bị địch bắn thì chạy tán lọan nên có thể địch sẽ lẩn trốn theo dân. Cho lúc này, dân chúng trong tỉnh Sađéc không ai bị chết hay bị thương, và nhà cửa cũng không bị thiệt hại. Ai nấy cũng vui vẻ nên trong khu vực xảy ra trận chiến, dân chúng mời kéo anh em binh sĩ vô nhà uống rượu ăn mừng. Nhưng khi đang ăn uống, nghe báo địch còn trốn đâu đó, là mọi người quân cũng như dân lại ùa hết cả đi bắt địch.
 Đến 8 giờ sáng thì trong thành phố hòan tòan không còn bóng địch. Binh sĩ được mọi người mời vô nhà ăn Tết trở lại.
 Chừng 9 giờ sáng mồng 1, dân chúng đi lại đông đảo ngòai đường chúc Tết nhau vui vẻ, thì có tin báo, một đơn vị địch khác xuất hiện ở Xã Bình Tiên. Lập tức TS9 lại tập trung di chuyển về hướng Bình Tiên, nhưng có lẽ hay tin chủ lực đánh vô BTL/SĐ9 của chúng đã bị tiêu diệt hòan tòan, và TS9 trên đường tới truy lùng chúng, toán địch này đã vội tẩu thóat rồi. Vì không nhận được lệnh lạc nào của cấp trên Sư Đòan, và để giữ gìn an ninh tỉnh, TS9 cũng không truy kích xa hơn vòng đai tỉnh. Trên đường từ Bình Tiên trở lại căn cứ thì lại nghe tin báo có một đơn vị nhỏ địch khác xuất hiện đầu cầu sắt, gần nhà thờ ở đầu tỉnh, bọn này từ hướng Cái Tàu Hạ, Nha Mân tới, TS9 lại chuyển hướng lập tức, nhưng tóan địch này cũng vội rút ngay khi biết TS9 đang mở rộng vòng đai tảo thanh quanh tỉnh.
 Đến 10 giờ sáng Mồng Một Tết thì an ninh trong tòan tỉnh Sa Đéc vãn hồi hòan tòan. Nhiều vùng không có giao tranh nên dân chúng còn không hay biết là Việt cộng tấn công Tết, mà chỉ tưởng là những đơn vị quân đội bắn súng đón giao thừa. Để khỏi gây hoang mang và an tâm cho dân chúng trong ngày Tết, TS9 phân thành từng tóan nhỏ tuần tiễu khắp tỉnh, sau khi chắc chắn không còn địch xong mới rút về căn cứ để anh em nghỉ ngơi ăn Tết với gia đình.
 Số học sinh nam nữ bị bắt hồi sáng sớm vẫn còn nằm úp mặt dài suốt dọc bờ sông. Tôi cho binh sĩ canh gác về trước, còn tôi ở lại giải quyết cái đám học sinh này.
 Trong khi đó, ở nhà vợ tôi vẫn còn kiên nhẫn ngồi ôm súng tại căn cứ và canh tù binh trước sân cờ đơn vị, thấy binh sĩ từng tóan về gần hết mà không thấy tôi, cô nàng có vẻ bồn chồn hỏi Hạ sĩ Mã Phát xem tôi đang ở đâu, có sao không? (Bà xã tôi bị phái về canh tù sớm ở trong căn cứ nên không biết là còn đám học sinh bị bắt sau này.)
– Ồ! Ông thầy à!! Ổng đang bị cô nữ sinh trung học xinh lắm, mấy cô ấy đeo cứng coi bộ khó mà dứt được, không biết lúc nào mới chịu về nữa đây chị à!!.
 Nói xong hắn cũng lủi ra trại gia binh mất.
***
 Tôi ghé một nhà bên đường mượn cái ghế đẩu để ngồi, đồng thời hỏi chủ nhà:
– Bác Hai có cây chổi lông gà nào cho tôi mượn đỡ một lúc được không?
– Nhà không có chổi lông gà!!! Rồi như chợt hiểu, nên ông: À!!. . mà có cái này được không?
Sau đó ông dắt tôi ra sau bếp, với tay lên vách lá, lấy xuống một cuộn mây lớn cỡ ngón tay treo trên đó, ông gỡ ra một khúc bằng sải tay, uốn cho hơi thẳng rồi hỏi lại tôi:
– Cái này được không?
– Được, Bác Hai.
 Ông chủ nhà chặt một khúc, đưa cho tôi đồng thời bước theo sau. Tôi bắc ghế ngồi ngay trước cửa nhà, cho kêu từng cô cậu học sinh vô một để hỏi tội, tại sao theo VC tấn công thành phố trong lúc mọi người ăn Tết. Đứa nào đứa nấy đều trả lời đại ý như nhau:
– Cháu nghe mấy ảnh trỏng đó nói là Tết này mình sẽ chiến thắng và giải phóng cả nước, nên ai chạy vô trước thì được nhà lớn có TV, còn ai chạy vô sau thì được nhà nhỏ, rồi mấy ảnh đưa cho mỗi người một cây súng mang trên vai với một bọc đạn, chứ cháu cũng không có biết bắn?
– Thế tụi bay có nhà, bị người khác chạy vô cướp nhà tụi bay có được không? Đứa nào đứa nấy ngẩn ra, im lặng không trả lời được.
 Tôi nghĩ, nếu giao đám nhỏ này cho an ninh thì cũng chả có thêm tin tức gì về cuộc tấn công đêm qua cả, nếu chúng chết hay bị tù tội, chỉ lợi cho địch đã gây chia rẽ oán hận với gia đình chúng. Tôi nghĩ mình khác VC ở chỗ thà tha lầm còn hơn giết lầm, mạng sống con người là quý, huống chi lũ nhỏ đang còn tuổi học trò đâu biết gì về cộng sản, nên bắt đám học sinh nằm sấp lớp lại như cũ trên đường và tuần tự cứ mỗi cô cậu, tôi giáng cho 3 roi cẩn thận, sau đó cho đứng dậy và tha cho về. Dân chúng đứng đầy hai bên đường ai cũng cười vui vẻ khi thấy tôi tha tất cả lũ nhỏ, trong khi đó đám học sinh đó mặt mày hãy còn sợ xanh mét, bẽn lẽn, lách trong đám đông dân chúng đứng coi hai bên đường đi mất. Giờ này các cô cậu này, chắc đã thành ông nội bà ngọai cả rồi, không biết có hối tiếc chuyện Mậu Thân xưa, hay có dám kể lại cho con cháu nội ngọai mấy roi quắn đit về tội theo VC tấn công Sa Đéc hay không?
 Tôi thả bộ trở về căn cứ, sau khi sĩ quan quân báo lấy tin tức xong, cho người giải giao tất cả tù binh và vũ khí, đạn dược tịch thu của địch cho Phòng 2 Sư đòan để khai thác tiếp. Sau này tôi được biết là đêm giao thừa địch đã mang 9 đại đội tấn công tỉnh và BTL/SĐ9. Con số 9 đại đội địch này thuộc các Tiểu Đòan 587, Tiểu Đòan 316, và Đại đội Lệ Hà thuộc Tỉnh đội Sa Đéc. (VC thường thổi phồng quân số lên gấp nhiều lần. Căn cứ số địch bị tử thương và bị bắt thì chỉ độ khỏang trên 300 người.)
 Đối với địch đã chết, tôi nghĩ người chết không còn hận thù, nghĩa tử là nghĩa tận, nên họ đều được chôn cất trong nghĩa trang Cao Đài ở đường ngang, nới vừa giao tranh để sau này thân nhân họ dễ tìm.
 Trận đánh đêm 30 rạng ngày mùng một này TS9 không có ai bị tử thương hay bị thương. Mọi người trong tỉnh Sa Đéc ăn một cái Tết Mậu Thân vui chưa bao giờ thấy.
 Đến mùng 5 Tết, tàn dư của địch tập trung, định mở đợt tấn công đợt 2, nhưng khi địch mới về đến rạch Cái Dầu thì bị phát hiện, TS9 đã hành quân bao vây tại Ấp Tân Mỹ, địa thế chỗ này nhiều mương rạch và cây rậm rạp, trong lúc xung phong Hiệu thính viên C25, Nguyễn văn Thọ trúng đạn bể ngực trái. Hạ sĩ I Dách, lính kèn bị đạn văng sượt bụng, anh này tức quá, đứng thẳng thổi kèn xung phong luôn. Trận này địch thổi còi, TS9 cũng dùng còi làm hiệu lệnh xung phong thế là TS9 làm tới luôn, số địch còn kẹt giữa vòng vây trong các mương sâu, không đường thóat, bị TS9 dùng lựu đạn tấn công tiêu diệt dần. Đến 2 giờ chiều 5 Tết, dân chúng bò tới sau lưng đơn vị để tiếp tế thực phẩm. Lúc này đơn vị mới nhận được lệnh từ Tướng TL/SĐ sẽ có 2 phi tuần phản lực của Mỹ tới yểm trợ. Để an tòan, đơn vị nới lỏng vòng vây cho chiến đấu cơ ném bom và địch bị tiêu diệt hẳn trong các mương, lúc này mới có vài nhà quanh chỗ địch bị vây bị máy bay ném bom sập, nhưng dân chúng không ai thiệt mạng.
 Trong Tết Mậu Thân, TS9 chiến đấu và diệt địch chứ không nhận được lệnh lạc từ cấp trên kể từ đêm 30 Tết cho đến hôm mồng 5 Tết mới nhận được lệnh trực tiếp từ BTL/SĐ.
 So sánh tổn thất Tết Mậu Thân từ đêm 30 đến mùng 5 Tết, địch đã mở 2 cuộc tấn công:
– TS9 tử thương 1 người, bị thương nhẹ 1 người, vì đạn trúng tường văng lại sáng mồng 5 Tết. Sau này đơn vị được tin Hạ Sĩ I Nguyễn Chí bị VC sát hại trên đường trở về đơn vị, còn Binh nhất Ký mất tích.
– Địch bị bắt sống trên 200, tử thương trận mùng 1 trên 100, mùng 5 trên 100 địch tử trận tại ấp Tân Mỹ.
 Tỉnh Sa Đéc hòan tòan an ninh. Mùng 6 Tết Mậu Thân, TS9 nhận được lệnh hành quân phối hợp với Tiểu Đòan 2/15 (NT Hiển K16 Tiểu Đòan Trưởng, hiện ở SJ) giải tỏa tỉnh Vĩnh Long. Bà xã tôi và Ba tôi cũng rời căn cứ về Sàigon lại.
 Tên Thượng Tá địch chỉ huy trận Mậu Thân tại Sa Đéc chạy thóat, nhưng sau bị chúng xử tử, vì thiếu phối hợp nên đã không mở cuộc tấn công đồng lọat, kết quả TS9 đủ thì giờ tỉa từng đại đội một. Đúng ra, tất cả những tên dẫn đường bị chết ngay lúc đầu nên địch không còn phương hướng nữa, và yếu tố chính là địch đã mất lòng dân, nên chúng chưa kịp phát động tấn công đã bị tiêu diệt.
Nhận xét của tôi:
  1. Địch đã để lộ nhiều sơ hở về âm mưu tấn công Tết Mậu Thân (mà an ninh, tình báo của QLVNCH đã coi thường hay không đề phòng?)
  2. TS9 đã liên lạc, báo động với sĩ quan trực P2 và P3 BTL/SĐ9 từ 10 giờ đêm hôm 30 Tết Mậu Thân là VC sẽ tấn công vô BTL/SĐ9, cho đến lúc phát hiện địch vẫn không nhận được lệnh lạc gì của cấp trên, nên TS9 phải tốc chiến, tấn công và tiêu diệt địch trước khi địch tấn công BTL/SĐ9, lúc đó khỏang 10 rưỡi đêm giao thừa. Trận chiến chỉ cách cổng BTL/SĐ9 khỏang vài trăm thước, ngang với tư dinh các sĩ quan cao cấp và ngay sau tư dinh tướng Tư Lệnh. Nếu tin địch tấn công SĐ9 được báo động sớm cho tòan quốc thì sẽ ra sao? Vậy ai trách nhiệm?
  3. Tù binh và chiến lợi phẫm của địch đã được TS9 giao cho P2 và P3 ngay trưa mồng 1 Tết Mậu Thân. Ai đã báo cáo sai với Tổng Tham Mưu là Việt cộng tấn công Sa Đéc hôm mồng 2 Tết Mậu Thân. Vậy các cấp sĩ quan cao cấp của sư đòan ở đâu mà không biết là trận tấn công xảy ra từ đêm 30 Tết?
  4. Điểm lưu ý, cố vấn Mỹ đơn vị đã bật mí từ nhiều tháng trước là Tết Mậu Thân sẽ hưu chiến, họ sẽ án binh bất động dù có chuyện gì xảy ra!! Các đơn vị khác có thể cũng nghe, hoặc biết là hưu chiến cố vần rút về compound của họ, vậy không ai quan tâm sao? Mặc dầu lúc này tình hình chính trị chuyển hướng bất lợi, nhưng cái gì đã thúc đẩy cố vấn đơn vị nói gần nói xa như nhắc nhở mình vậy, phải chăng lương tâm của người quân nhân không muốn phản bội bạn đồng minh.
  5. Nếu chỉ dựa trên 2 cấp số hỏa lực giới hạn, và nếu dân chúng Sa Đéc không tiếp tế lương thực trong mấy ngày Tết thì tình hình Sa Đéc sẽ ra sao? (Sau này phu nhân vị Tư Lệnh hay được TS9 đơn độc chiến đấu, có đặt lò bánh mì trong tỉnh, ủy lạo đơn vị 3 tháng ăn sáng với pâté)
  6. Tài liệu tịch thu của địch, được biết là quân số, vũ khí và hỏa lực trang bị của TS9 bị tiết lộ, những dữ kiện này trùng hợp với tài liệu thanh tra bởi Tổng Tham Mưu và Sư Đòan trước tết Mậu Thân. Vậy tiết lộ từ đâu, Sư Đòan hay TTM?

 Tàn cuộc chiến, anh em tôi, đứa bị thương, đứa tàn phế, đứa tù cải tạo, nhưng tinh thần người lính vẫn không nhụt chí, Ba Me tôi đã cho chúng tôi bài học kinh nghiệm về cộng sản, lại một lần nữa theo gương thế hệ trước, chúng tôi lần lượt chèo chống, vượt biên vượt biển, đi trước khi có HO, và cuối cùng anh chị em tôi gặp lại nhau nơi xứ người đầy đủ. Kết quả là thế hệ tôi trai gái đều đi tất cả, và dù ai nói gì thì nói, với anh chị em tôi, nếu Việt nam còn cộng sản thì xin nhận nơi đã cưu mang chúng tôi này làm quê hương.
 Chân thành cảm tạ đồng bào Sa Đéc đã tiếp tay TS9 tiêu diệt VC kỳ Tết Mậu Thân. Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Hạ Sĩ I Nguyễn Văn Thọ, riêng Hạ Sĩ I Nguyễn Chí đã hy sinh kỳ Tết Mậu Thân khi ông nghe địch tấn công Tết, mặc dầu chưa hết phép, đã bay tới Cần Thơ và từ đó ông đi đường bộ để trở về đơn vị, bị địch bắt và hạ sát, khi chúng biết ông là quân nhân TS9, đã bầm nát và đổ xuống sông gần Quận Thốt Nốt, chỉ với lý do, thân nhân khỏi tìm xác.
 Nguyễn Đình Hạnh/TS9 (Thám Báo)
[1] Khoảng 3 tháng trước Tết Mậu Thân, TS9 nhận được công điện từ Tổng Tham Mưu tới thanh tra đơn vị, phái đòan do Đại Tá Quang cầm đầu với sự phối hợp và hướng dẫn của Thiếu Tá Phòng 1/ SĐ9. Lúc này, vì nhu cầu chiến trường, TS9 thường xuyên phải phối hợp, tiếp viện các Tiểu đòan bộ binh của các Trung Đòan 14, 15, 16 và các đồn bót địa phương trong Khu 41 Chiến thuật nên quân số tăng gần gấp đôi cấp số của đơn vị Trinh Sát, nhưng vũ khí và hỏa lực thì vẫn còn từ thế chiến thứ II: Garant, Carbine M1, M2, Trung liên BAR, đại liên 30, súng cối 60, M-79, Tiểu liên Thompson. Nhưng thật ra qua trung gian của cựu cố vấn TS9, (Sgt. Fock) tiếp liệu của Sư Đòan 9 Mỹ (9th US Infantry Division), anh này đã thỏa thuận trao đổi và bí mật gởi giúp TS9 vũ khí, đạn dược, máy phát điện, xăng nhớt. Việc chuyển giao ngầm số vũ khí này hòan tòan âm thầm giữa 9th US ID và TS9. Khi Đại Tá Quang tới thanh tra thì đã được cất dấu và các cố vấn Mỹ ngồi ngòai canh gác nên không phát giác ra đơn vị đã xử dụng vũ khí mới, mà chỉ thấy trưng bày tòan vũ khí cũ, quân số giới hạn trong cấp số. Trong lúc đang thanh tra có xảy ra vụ nổ súng từ một Trung Úy thuộc P2 của Thiếu Tá Khương gây thương tích Hạ Sĩ I Sơn Côn, thuộc tóan quân báo đang tuần tiễu trên Rạch Thông Lưu, tưởng VC về tấn công TS9, nên phái đòan thanh tra đã vội rút về sớm, do đó có lẽ tài liệu VC có được về TS9 đều dựa trên báo cáo thanh tra này. Có lẽ địch tin tưởng rằng TS9 bị yếu mọi mặt, nên khi thấy hỏa lực của TS9 đàn áp khủng khiếp, địch lại đứng quá gần trên đường nhựa, không chỗ trú ẩn nên bị thiệt hại nhân mạng nặng ngay đợt khai hỏa đầu tiên, tất cả chỉ còn mạnh tên nào tên nấy lo chạy lấy sống không tên nào còn nghĩ đến bắn trả lại.

Danh sách bài đăng