Tỉnh Sa Đéc

Kết quả tìm kiếm

Sự tích Xoài Thơm, Xoài Ngự

Xoài Tượng trồng ở Sa Đéc

 Sa-Đéc ở cách thủ đô Sài-Gòn 136 cây số, thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu-Long, nước ngọt quanh năm, đất đai mầu mở, cây trái hoằng sai. Do đó xưa nay, nhà vườn ở Sa-Đéc họ trồng rất nhiều loại cây ăn trái. Cam, xoài nhiều hơn hết, có tiếng là ngon không đâu bằng. Nhưng nếu kể về số sản xuất nhiều thật ra vẫn không hơn được xứ Cái-Mân, tỉnh Kiến-Hòa. Nơi ấy trồng đủ loại cây ăn trái: chôm-chôm, cam, quít, măng cụt, bòn-bon, xoài, ổi, thơm tây v.v... và cả cây chiết chở đi khắp Lục-tỉnh.

 Nếu Mỹ-Tho có nhiều thứ trái cây nổi tiếng như: Mận hồng đào, ổi xá-lỵ, vú sữa lò rèn v.v... thì Sa-Đéc chỉ có hai loại trái cây được thông dụng và có tiếng nhứt là xoài, cam. Còn các loại trái cây khác Sa-Đéc cũng có, nhưng rất ít. Xoài thanh-ca loại trắng và loại đen. Xoài gòn, xoài voi, xoài cát, xoài cốc, xoài tượng, xoài thơm v.v... Loại xoài thơm này được truyền tụng nhiều đời cho là loại xoài ngự, quí nhứt tỉnh Sa-Đéc. Do đâu xoài thơm còn có tên là xoài ngự? Chữ "ngự" vốn là chữ thường riêng dùng cho bậc vua chúa, như nhà vua thì nói là Ngài ngự, hoặc ngự giá, ngự-lâm-quân, tất cả những gì có dính dáng đến nhà vua thì đều phải dùng đến chữ "ngự" để tỏ lòng tôn kính, và có sắc thái riêng biệt chỉ về nhu cầu cung ứng cho nhà vua.

 Trở lại vấn đề xoài thơm còn mang tên đặc biệt là xoài ngự. Tương truyền: Ở miệt Nước-Xoáy, Long-Hưng, Long-Hậu phát xuất ra hai tiếng xoài ngự. Như ai cũng đã biết, và như chúng tôi đã ghi chép ở phần lịch sử, di tích trên mảnh đất Sa-Đéc, có rất nhiều dấu tích vua Gia-Long khi tẩu quốc. Lúc Ngài đóng đại bản dinh ở Sa-Đéc, đồng bào quanh vùng tỏ lòng trọng vọng, hằng đem món ngon vật lạ địa phương cung tiến, gọi là tỏ chút lòng thành dâng lên phụng dưỡng Ngài ngự cho chu đáo.

 Trong các món trái cây đem dâng Ngài ngự thiện, món xoài thơm được coi là quí nhứt, xứng đáng để nhà vua dùng tráng miệng. Ngài dùng qua món xoài thơm ngon hơn cả các loại trái cây khác trong vùng.

 Do lời khen của đức vua rằng, món xoài thơm không loại xoài nào sánh bằng, nên từ ấy xoài thơm mang riêng một tên đặc biệt là xoài ngự, tức là món nông sản đã được nhà vua thưởng thức, và đồng bào dân chúng sẵn sàng coi là món thổ sản dành riêng cho nhà vua.

 Vua Gia-Long đã tán thưởng loại xoài thơm đó, nên đồng bào ở đây cố gieo giống trồng thêm thật nhiều đến ngày nay. Xoài thơm hay xoài ngự có sự tích liên quan đến vua mở nghiệp nhà Nguyễn nên xem có giá trị lớn lao. Đến ngày nay, so với các loại xoài khác, thứ xoài thơm bán khá đắt tiền.

 Còn loại cam mật ở Sa-Đéc mỏng vỏ, nước nhiều, ngọt, không chua, vì đủ đất, phân bón tốt, trái cam ít bị chai như các loại cam ở vùng khác.

 Ngày xưa ở đây trái cây bán mỗi chục 18, hoặc 16 trái, tập tục ấy đã quen và còn duy trì cho đến ngày nay.

 Vĩnh-Long, cách Sa-Đéc trên 20 cây số, lúc xưa, trái cây bán mỗi chục 24, rồi sau bớt lần còn 20, 18, 16, bây giờ nghe đâu chỉ còn có chục 14 không giữ được như Sa-Đéc. Xoài thơm Sa-Đéc có giá trị đến được mang danh xoài ngự, kể cũng là một vinh hạnh cho Sa-Đéc rồi. Cho đến việc bán buôn, xưa nay đồng bào cũng vẫn giữ mục thành tín, để chiêu đãi khách hàng, giới thiệu món thổ sản địa phương đặc biệt, càng nói lên tất lòng chung thủy của người dân đất Sa-Giang.

 Nguồn: Sa Đéc Xưa và Nay xuất bảm năm 1971.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Danh sách bài đăng