Kiến trúc cổ ở Sa Đéc, trước hết nó là những công trình nhằm để phục vụ nhu cầu đời sống, sinh hoạt, sản xuất… của cộng đồng dân cư. Theo dòng thời gian, những công trình này đã được kiểm nghiệm không chỉ bằng những nghiên cứu khoa học mà chính công chúng đã thẩm định, xem đó là những giá trị mang tính nghệ thuật - thẩm mỹ, là nét văn hóa riêng của Sa Đéc. Mấy thế kỷ trôi qua, những công trình kiến trúc đó hiển nhiên tồn tại, được xem là nhân chứng, là bảo tàng sống có tính thuyết phục nhất về một giai đoạn lịch sử, có ý nghĩa và giá trị đặc biệt về văn hóa truyền thống, về đạo lý mà tiền nhân đã gửi gắm, đó là khát vọng, là niềm tin, là ước mơ và hoài bão….
Những công trình kiến trúc cổ ở Sa Đéc còn lại bao gồm: kiến trúc tín ngưỡng, kiến trúc công quyền và kiến trúc dân dụng.
Kiến trúc tín ngưỡng
1. Đình: Vĩnh Phước, Tân Qui Đông, Tân Qui Tây, Tân Khánh, Tân Đông, Tân Phú Đông…
Phước Hưng tự, 1964. |
Kiến An Cung, 1969. |
2. Miễu: Bà Chúa Xứ ở cầu Đình, phường 1, ở Cao Mên, phường An Hòa; miễu Ngũ Hành… - Chùa: chùa Hương (Phước Hưng Tự), chùa Phước Lâm, chùa Ông Quách (Kiến An Cung), chùa Bà…
3. Nhà thờ: Hòa Khánh, Tân Qui; nhà thờ Tin Lành.
Kiến trúc công quyền
Là những công trình được xây dựng để làm trụ sở các cơ quan công quyền hoặc để phục vụ cho những nhu cầu công cộng, đến nay còn tồn tại, gồm:
1. Tòa bố: Thời thực dân Pháp đô hộ, nó là nơi Quan Bố chánh làm việc, (hiện nay nằm trong khuôn viên Trường Dạy nghề Tỉnh Đồng Tháp).
Tòa Hành Chánh tỉnh, 1964. |
2. Dinh tỉnh trưởng: hiện ở ngay cổng Trường Dạy nghề Tỉnh Đồng Tháp).
3. Ngân khố: Nơi cấp phát lương bổng của công chức thời Pháp thuộc (hiện nay là Câu lạc bộ Hưu trí Thị xã Sa Đéc).
4. Sở Trường Tiền: Thời Pháp thuộc, nơi đây lo việc cầu, đường… của Tỉnh Sa Đéc cũ (nay là Ký túc xá của Trường Dạy nghề Tỉnh Đồng Tháp).
Kiến trúc công dân sinh
Là hững công trình phục vụ cho nhu cầu đời sống và sinh hoạt của nhân dân từ thời Pháp thuộc còn lại đến nay, cũng có khi chỉ còn là những dấu tích của một thời… đó là:
1. Trường học: Trường Sơ học Pháp - Việt (nay là Trường Tiểu học Kim Đồng), Trường Nữ Tiểu học (nay là Trường Tiểu học Trưng Vương).
Cầu Đình, 1959. |
2. Cầu: Cầu Đình (nằm trên địa bàn Phường 1, gần đình Tân Qui Tây), được xây dựng từ năm 1928; cầu Cái Sơn 1 và 2 (tiếp giáp phường 1 và phường 2). Những cây cầu này có lối kiến trúc độc đáo của những thập niên đầu thế kỷ XX. 1.3.
Kiến trúc nhà dân
Là những công trình do nhân dân xây dựng, chủ yếu là nhà ở, gồm:
1. Nhà trệt ở nông thôn: Gồm những ngôi nhà bằng gỗ, lợp ngói của những người giàu có ở Tân Phú Đông.
2. Nhà trệt ở chợ: Gồm những ngôi nhà xây bằng gạch, lợp ngói của những thương nhân thành đạt, trí thức Tây học (nhà ông Đốc phủ Đảnh và Hương cả Tánh ở phường 1, nhà ông Huỳnh Thuỷ Lê ở phường 2, nhà bà Trần Thị Ngưu ở phường 4…).
3. Căn phố trệt, phố lầu ở chợ: Gồm những ngôi nhà xây bằng gạch, có gác lầu bằng ván, lợp ngói của những người Hoa buôn bán ở chợ.
4. Biệt thự cổ: Gồm những ngôi nhà xây bằng gạch, lầu đúc, lợp ngói, có sân, có vườn, có hàng rào kiên cố và có cổng sắt… của những công chức Tây học (nhà ông Tấn Sĩ Giung ở phường 4, nhà ông Bác vật Quản ở phường 3, nhà ông Huyện Nương ở phường 2).
Các công trình kiến trúc cổ còn lại ở Sa Đéc được xây dựng phần lớn từ cuối thế kỷ XIX, những thập niên đầu của thế kỷ XX. Những công trình đó được xây dựng theo kiến trúc phương Đông, kiến trúc phương Tây, sự kết hợp của kiến trúc phương Đông và phương Tây, sự kết hợp và giao thoa giữa kiến trúc truyền thống Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc.
Kiến trúc Phương Đông
Về kiến trúc phương Đông, được chia làm hai loại: kiến trúc Trung Quốc và kiến trúc thuần Việt.
1. Kiến trúc Trung Quốc mà chủ yếu là của người Phúc Kiến, với những công trình điển hình như: chùa Ông Quách, chùa Bà; những ngôi nhà hoặc những căn phố lầu ở chợ. Vật liệu xây dựng của những công trình này là gạch ngói, sắt thép và gỗ (tỷ lệ gỗ khá nhiều trong các công trình này). Bài trí của những ngôi nhà này, trước hết là bàn thờ Quan Công được đặt ở vị trí hết sức trang trọng; bao lam, thành vọng được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, được sơn son thếp vàng rực rỡ….
2. Kiến trúc thuần Việt mà trước hết là những ngôi đình thần, theo mô - típ kiến trúc truyền thống của đình thần Bắc bộ, có vận dụng cho phù hợp với điều kiện phong thổ và địa lý của Nam bộ; vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ tốt; bài trí trang nghiêm; chiếm diện tích khá lớn và được xây dựng ở những nơi trung tâm của cộng đồng dân cư. Về nhà ở của loại kiến trúc thuần Việt này là những ngôi nhà trệt bằng gỗ ở nông thôn, được dựng theo kiểu ba gian, hai chái; mái lợp ngói âm dương, chiều ngang khá rộng, chiều dài tương đối; bài trí trong nhà trang nghiêm, trầm lắng bởi gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên và những đồ thờ, vật thờ, tủ thờ được chăm sóc chu đáo, cẩn thận.
Kiến trúc Phương Tây
Về kiến trúc phương Tây, nó bao gồm những công sở, những công trình công cộng và nhà thờ công giáo; vật liệu xây dựng là gạch, ngói, sắt thép… với những phù điêu đắp nổi, có nhiều cửa lớn và rộng, nền được tôn cao và lót gạch bông, tường dày khá kiên cố; thường được quét vôi màu vàng hoặc màu trắng. Đối với nhà ở theo loại kiến trúc này, hầu hết là biệt thự có lầu, có nhiều phòng rộng, trang trí trên tường và bài trí trong nhà rất thoáng, ngăn nắp… đây là loại kiến trúc theo trường phái Gô - tíc, Phục hưng có cách tân.
Kiến trúc Đông - Tây
Về kiến trúc có sự kết hợp Đông - Tây, đó là những ngôi nhà trệt ở chợ, đáng kể nhất là nhà của ông Hương cả Tánh, Đốc phủ Đảnh và bà Trần Thị Ngưu. Ở đó chúng ta bắt gặp những hoa văn, họa tiết, phù điêu đắp nổi và cả những chạm trỗ trên gỗ hoặc cẩn xà cừ với đề tài hoa, lá, chim, dơi, cá hóa rồng…. Có lẽ đó là những tác phẩm nghệ thuật của các nghệ nhân tài hoa khắp nơi trong cả nước hội tụ về đây. Bài trí trong nhà với nhiều vật dụng của Pháp, của Trung Quốc, của cả Việt Nam, từ cái đèn lồng, đèn thờ, đèn tạ đăng, bộ lư cho đến hoành phi, câu đối và cả bộ trường kỷ, cái ghế cây….
Kiến trúc kết hợp Việt - Hoa - Tây
Nhà ông Huỳnh Thủy Lê |
Kiến trúc có sự kết hợp giữa Việt Nam - Trung Quốc - phương Tây, đáng kể nhất là nhà của ông Huỳnh Thuỷ Lê, đây là ngôi nhà của một người Hoa được xây dựng có sự kết hợp từ trong vật liệu xây dựng cho đến lối kiến trúc và cả ở bài trí nội thất. Từ mái ngói xuống đến cột kèo, đòn tay, rui, mè, bao lam, thành vọng, hoành phi, câu đối, cửa sổ, cửa cái với những chạm trổ công phu… tất cả như được gói gọn trong những đường nét, họa tiết, phù điêu, đắp nổi bên ngoài của kiến trúc phương Tây. Cũng là nhà ba gian như những ngôi nhà thuần Việt nhưng có sự cải biên, gian giữa thờ Quan Công rất uy nghi, bởi khám thờ được chạm trỗ cầu kỳ, sơn son thếp vàng. Tương tự như vậy, nhưng nhà của ông Trần Phú Cương lại thoáng hơn bởi diện tích sử dụng khá rộng, có nhiều phòng, đề tài chạm trỗ thường là mai, cúc, trúc, đào… không gian của nhà bếp, lẫm lúa còn nặng phong cách Nam bộ.
Phước Hưng tự, 1969. |
Chùa Hương (Phước Hưng Tự) cũng là một sự kết hợp của ba nền kiến trúc Việt - Hoa - Pháp, bởi nó được sáp nhập từ một ngôi chùa của người Hoa (Minh Hương) và một ngôi chùa của người Việt. Sau đó, được xây dựng lại, đến thời Pháp thuộc thì được trùng tu sửa chữa lớn. Mặt tiền của chùa được thiết kế “thượng song hạ bản” như những ngôi nhà thuần Việt, những phù điêu đắp nổi với đề tài hoa, lá thường thấy trong kiến trúc phương Tây lại hiện hữu ở mặt chính diện của ngôi chùa, mái lợp ngói âm dương mà ngay giữa mái có đắp hình “lưỡng long tranh châu”. Trong chính điện của ngôi chùa, bao lam, thành vọng được chạm trỗ tinh xảo, tất cả đều sơn son thiếp vàng như ta thường thấy trong những ngôi chùa của người Hoa.
Nhìn vào kiến trúc, người ta có thể xét đoán được những luồng tư tưởng, chính kiến hay sự cách tân về phong tục, tập quán của một gia đình, của một dòng tộc, của một địa phương. Mấy trăm năm đã trôi qua trên mảnh đất Sa Đéc, mỗi khi nhìn vào những công trình kiến trúc cổ đó, hậu thế có thể đối thoại hoặc đồng cảm với tiền nhân. Nếu một ngày nào đó, những công trình này bị bỏ rơi, trở thành phế tích và dần mất đi, không bao giờ trở lại… nuối tiếc và đau xót cho những ai còn một chút thiết tha với di sản của tiền nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét