Tỉnh Sa Đéc

Kết quả tìm kiếm

Chùa Bửu Hưng


Chùa Bửu Hưng nay thuộc xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

 Tổ đình Bửu Hưng tự

 Du khách viếng tỉnh Sa-Đéc, nếu tâm hồn lâng lâng niềm tục lụy, muốn thưởng thức phong quang những danh lam cổ sái, tưởng không gì bằng hãy tạm dừng chân ghé viếng chùa Bửu-Hưng đã có từ hơn một trăm năm về trước. Ngôi tổ đình Bửu-Hưng-Tự này rất cổ kính, nép mình trong một khu vắng vẽ. Trước sân rộng rãi có hồ sen, day mặt ra bờ rạch Cái-Các thuộc xã Hòa-Long quận Đưc-Thành tỉnh Sa-Đéc. Hiện nay, do Giáo-Hội Lục-Hòa-Tăng lãnh phần coi sóc, số bổn đạo rất đông. Những ngày rằm lớn, hoặc 30, mùng một, bổn đạo qui tụ về lễ Phật tấp nập.

 Giữa chánh điện có một pho tượng Đức Di-Đà cao trên hai thước, sơn son phết vàng, trải đã lâu đời nên phai nhạt khá nhiều, nhưng vẫn còn đầy đủ nét từ bi, trí tuệ phảng phất ánh đạo thiêng như lúc nào cũng sẵn sàng dẫn độ chúng sanh về cõi Tây-phương cực lạc. Hai bên trần thiết rất trang nghiêm, ảnh tượng chư vị La-Hán, Bồ-tát uy nghi tịnh tọa càng tăng thêm vẽ u huyền trong chốn thiền lâm phẳng lặng. Cột chạm tứ linh Long, Lân, Qui, Phụng, trên treo những tấm biển to lớn chạm khắc những hàng cổ-tự sắc sảo tinh vi, vàng son hực hở. Các bức hoành phi, liễn đối trong chùa, hầu hết do một số thiện tín sùng đạo địa phương phụng cúng. Trong số nhân vật đất Sa-Đéc ngày xưa, có ông bà Lê-Văn-Hiển, một đại điền chủ xã Long-Hậu nhiệt tâm với Phật-pháp, góp công, góp của, lo cho ngôi chùa ngày thêm rạng tiếng, nên hãy còn những tấm biển lưu niệm công đức của ông bà tại chùa.

 Đất Sa-Đéc là đất lành phát xuất nhiều bậc Cao-Tăng được mọi người trọng vọng. Chùa xưa miếu cũ rải rác trong xứ, đủ chứng tỏ đồng bào dân chúng đều hướng thiện tu hành giữ gìn đạo hạnh. -Sự tích ngôi tổ đình Bửu Hưng-Tự, theo lời các bô lão địa phương kể lại cho chúng tôi nghe như sau: Ngày xưa vùng đất này còn hoang vu, nhà thưa người ít, có một nhà sư từ phương xa đến dọn đất cất một cái am nhỏ để tu hành, sớm mỏ chiều chuông sống với cuộc đời ẩn dật. Được ít lâu, nhà sư viên tịch. Am vắng, khói lạnh hương tàn, làm chạnh lòng một nhà sư khác cũng từ phương xa dừng chân lại đó. Vị sư này thâm thông giáo lý nhà Phật, đức hạnh có phần hơn nhà sư trước. Do đó, khi vị sư sửa sang am cũ mà trụ trì, gần xa lần lần biết tiếng, kéo đến nghe ông thuyết giảng đạo lý một ngày thêm đông. Được đồng bào mến mộ, uy tín vị thiền sư tăng cao. Bổn đạo mới đóng góp kẻ ít người nhiều, dựng nên ngôi chùa rộng lớn hơn.

 Không bao lâu, vị sư này cũng viên tịch. Trải qua nhiều đời Yết-Ma, Giáo-thọ, Hòa-thượng, đến đời vị Yết-Ma Nguyễn-Văn-Hạnh, ngôi chùa hưng thịnh hơn nhiều. Vị Yết-Ma Nguyễn-Văn-Hạnh vốn người ở Định-Tường, trước trụ trì ở chùa Bửu-Lâm, nơi Chợ-Cũ Mỹ-Tho, nay về trụ trì ở ngôi chùa tại Cái-Các tỉnh Sa-Đéc đây, càng dốc lòng tuyên dương chánh pháp, mở mang phong khí trong vùng. Rồi đến Hòa-Thượng Thiên-Tường từ chùa Vĩnh-Tràng về cai quản, hiệp cùng bổn đạo sẵn có, xây cất ngôi chùa lộng lẫy khang trang như trong ảnh trên đây. Thế thì ngôi chùa này đã trùng tu qua nhiều đợt, đến đời Hòa-Thượng Thiên-Tường mới bắt đầu khởi sắc như thế. Quả xứng đáng là một đại già-lam của tỉnh Sa-Đéc. -Thật thế, ngôi chùa Bửu-Hưng-Tự có thể nói là một trong những ngôi chùa cổ và lộng lẫy nhứt ở Sa-Đéc. Số huê lợi do đồng bào Phật tử cúng cho chùa cũng nhiều, hàng năm có đến cả ngàn giạ lúa.

 Thời cuộc biến chuyển 1954, chùa bị liệng bom nhầm

 Chùa đang trong thời hưng thịnh, xảy gặp tai biến do thời cuộc phát sinh, mà phải chịu chung cái công lệ tang thương khi nạn dân ách nước tràn lan khắp trên lãnh thổ. Ấy là vào khoảng năm Ất-Dậu 1945, cảnh khói lửa điêu linh phủ trùm non sông nước Việt. Vùng này không được an ninh, ngôi chùa thường là mục tiêu cho đoàn quân xâm lăng nghi ngờ chủ tâm triệt hạ. Cho nên một buổi sáng tinh sương trong thượng tuần tháng 9, năm 1946, phi cơ đảo liệng quanh vùng một chập, rồi thì ầm ầm như trời long đất lở, bom của kẻ xâm lăng trút vào nơi Phật-tự trang nghiêm. Dù lầm lẫn hay cố ý, nào ai đo được lòng người. Kết quả bi đát: Thiệt mạng nhà sư Chánh Viên và 4 Phật-tử. Trước cảnh bom rơi đạn nổ, trong chùa đều tản cư đi nơi khác, không còn ai dám ở lại... May thay! Chánh điện vẫn được an toàn. Lúc chùa bỏ trống, không gìn giữ, bị người ta đến lấy mất một cái Đại-Hồng-Chung xưa thật là đáng tiếc.

 Thời gian diu lần, các nhà sư còn lại mới dám trở về hương khói cho Phật. Lúc sau có Hòa-Thượng Chơn-Hòa về trụ trì, tổ-đình Bửu-Hưng-Tự dần dần hưng thịnh lại như xưa. Đến ngày 22 tháng 2 âm lịch năm Mậu-Tuất, Hòa-Thượng Chơn-Hòa liễu đạo. Ngày nay, người kế vị trụ trì là Phó đại diện của tỉnh Hội Lục-Hòa-Tăng Sa-Đéc tiếp nối và trùng tu ngôi Tam-Bảo này.

 Tưởng nên ghi thêm một điều lạ: Ngày xưa, trong chùa, có trân tàng một vỏ lúa to lớn khác thường, để khách thập phương quan chiêm sự huyền dịu của hóa công trong cuộc trưởng dưỡng muôn loài vạn vật. Nhưng về sau, cũng vì chiến cuộc sinh hóa trở ngại, không người gìn giữ, vật lạ ấy chẳng biết đã bị bàn tay nào lưu đi mất. Mà thôi người đời của tạm có tiếc cũng bằng thừa. Trong cõi phù sinh, muôn vật có gì đâu là trường tồn miên viễn được. Duy có đạo lý là bất diệt, duy có tâm đạo là cùng với hai vầng nhật nguyệt cùng sáng rở mãi thiên thu.

 Đi viếng một ngôi chùa cổ kính của đất Sa-Đéc, chúng tôi có bổn phận nói lên công nghiệp của các vị tổ dày công sáng tạo để dẫn dắt người đời tu hành, và cũng ghi lại một ít di tích để tồn cổ; tinh thần Phật giáo vẫn tồn tại với non sông ngàn năm bất diệt.

 Nguồn: Sa-Đéc Xưa và Nay xuất bản năm 1971.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Danh sách bài đăng