Tỉnh Sa Đéc

Kết quả tìm kiếm

Nguồn gốc địa danh Lấp Vò

Chợ Lấp Vò, 1947.

LẤP VÒ, hiện nay là một địa danh cùng một lúc dùng để gọi bốn đối tượng: một con sông, một cái chợ, một thị trấn và một quận.

Đến nay, có hai nguồn tư liệu liên quan đến địa danh Lấp Vò:

1. Theo tư liệu dân gian:

Có truyền thuyết cho rằng vào thời nội chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh trên đất Nam Bộ (1777-1789), trước và sau khi Nguyễn Ánh về lập căn cứ ở Hồi Oa (Nước Xoáy-Long Hưng), thì rạch Lấp Vò là một thuỷ đạo vô cùng quân trọng trong việc di chuyển quân của Nguyễn Ánh bằng ghe thuyền từ sông Tiền sang sông Hậu. Để phục vụ cho việc di chuyển thường xuyên này, hai bên bờ sông xuất hịên nhiều cơ sở sửa chuyển ghe thuyền, trong đó khâu chủ yếu là sản xuất, nấu ra dầu chai, một thứ dầu dùng để trét, xảm các đường ráp nối, hoặc kẻ nứt chung quanh ghe thuyền, mà tiếng nhà nghề gọi là lấp dò (dò là chỗ nứt trong ghe). Người chuyên làm công việc này được gọi là thợ lấp dò. Vì thế nên con sông được mang tên Lấp Vò (dò bị viết thành vò).

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng tên Lấp Vò xuất phát từ tiếng Khmer “Srok tak por” (xứ Lấp Vò). Tak por phát âm theo tiếng Việt thành Lấp Vò. Nhưng hai tiếng tak por không có nghĩa là lấp dò ghe thuyền, mà có nghĩa “nước sôi”.

2. Theo nguồn tư liệu thành văn:

Trong bộ “ Đại Nam quấc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Paulus Của in năm 1895, viết: Lấp vò là xảm trét ghe thuyền. Trong sách “Chuyên đời xưa” của Trương Vĩnh ký, in năm 1866 cũng viết;: “Người làm nghề trét, xảm ghe xuồng gọi thợ lấp vò”. Theo Vương Hồng Sển, trong sách “Tự vị tiếng Việt Miền Nam”, thì Lấp Vò cũng có nghĩa là sửa chửa, o bế lại vật gì đã hư hỏng.

Trong khi đó, trong  “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, ở mục Sơn xuyên, viết:

“Cường Thành giang (sông Cường Thành): tục gọi là sông Lấp Vò, ở bờ phía đông sông Hậu Giang, rộng 12 tầm, sâu 18 thước ta, cách trấn về phía nam 178 dặm rưởi. Bờ phía nam có Du giang, chảy ra sông lớn, cách bờ nam nửa dặm đến thủ sở Cường Thành, ở đây chợ búa đông đúc (gọi là chợ Lấp Vò). Lại 50 tầm đến ngã ba sông: nhánh phía bắc thông với sông Qua giang (Cái Bí), sông Trường Tiền, rồi chảy ra sông lớn (sông Hậu); nhánh phía đông 70 dặm đến ngã ba nữa: nhánh phía bắc thông với sông Hội An rồi ra sông Tiền giang, nhánh phía đông qua sông Thủ Ô, sông Hồi Luân (Nước Xoáy), ra sông Sa Đéc, rồi cùng thông với Tiền giang. Hai bên đều có ruộng vườn và dân cư”.

Từ các nguồn thông tin trên, ta rút ra mấy điểm:

1. Địa danh Lấp Vò ra đời khá sớm, trước cuộc nội chíến Tây Sơn-Nguyễn Ánh (1777), do cư dân ngụ hai bên bờ sông có nhiều người làm nghề nấu dầu chai để “lấp dò” ghe thuyền, nên con sông mới mang tên này.

2. Rạch Lấp Vò là đường thủy quan trọng nối liền sông Tiền và sông Hậu, được Nguyễn Ánh khai thác triệt để trong cuộc nội chiến; dùng con sông này để vừa tránh né quân Tây Sơn, vừa di chuyển quân, vừa dùng làm nơi tu bổ ghe thuyền và chiêu mộ người lẫn thu mua lương thực.

3. Vùng này từ xưa dân cư đông, nghề nghiệp đa dạng: trồng lúa, trồng cau (nhiều nhứt là ở Tân Lộc, trong nội chiến Nguyễn Ánh chế ra súng đại bác bằng gỗ bắng hột cau khô, đuổi được quân Tây Sơn khi bao vây đánh căn cứ Long Hưng), đóng ghe xuồng, nấu dầu chai...Chợ Lấp Vò ra đời sớm là một minh chứng cho sự phồn thịnh của khu vực.

4. Rạch Lấp Vò có nhiều chi lưu ăn thông đến rạch Nước Xóay, nơi đóng căn cứ Long Hưng, đến rạch Cái Bí, Trường Tiền (nay thuộc xã Hòa An và Hòa Bình, quận Chợ Mới, tỉnh An Giang), nơi này Nguyễn Ánh cho mở lò đút tiền, nên con rạch mới có tên này...

5. Vào năm 1957 Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), do nghị định số 308-BNV/NC/NĐ ngày 8-10-1957, lập lại quận Lấp Vò trực thuộc tỉnh Vĩnh Long từ Tổng An Phú tỉnh Long Xuyên. Năm năm sau bằng nghị định số 718-NV ngày 11-7-1962, hai quận này tách ra để lập hai quận mới là Đức Thành vẫn thuộc tỉnh Vĩnh Long. Đến ngày 24-4-1966, tỉnh Sa Đéc được thành lập lại với diện tích nhỏ hơn trước đây gồm 4 quận, cho tới năm 1975. Trong đó, quận Lấp Vò có 8 xã: Bình Thạnh Đông, Bình Thạnh Tây, Bình Thạnh Trung, An Hội Đông, Mỹ An Hưng, Định Yên, Vĩnh Thạnh, Long Hưng.

Thành Lavium (Citadelle Lavium)

Ảnh: Thành Lavium trong bản đồ phủ Tân Thành, trấn An Xuyên.

Ảnh: Bảo Tiền Long Thắng



Dưới triều Nguyễn, thành trì là nơi quan yếu của quân đội, được thiết kế với tường cao, hào sâu bao bọc. Thành nhà Nguyễn thường được xây dựng theo kiến trúc kiểu Vauban với các pháo đài được trang bị súng thần công, đảm bảo cho việc công, thủ khi có biến. Các tòa thành có quy mô khác nhau để phân biệt giữa Đô thành (thành ở Kinh đô), Trấn thành, Tỉnh thành (thành cấp tỉnh), Phủ thành, Huyện thành... Thành nhỏ đắp bằng đất gọi là “bảo”. Cho đến nay, các thành cổ của nhà Nguyễn còn khá nguyên vẹn chỉ có kinh thành Huế và thành Sơn Tây.

Phế tích nầy có tên gọi là Bảo Tiền. Trước đây, bảo nầy (cùng với Bảo Hậu) được xem như những đồn luỹ bảo vệ từ xa cho căn cứ trung tâm Hồi Oa (Nước Xoáy) do Nguyễn Ánh cho xây dựng trong cuộc chiến với Tây Sơn. Theo Huỳnh Minh trong Sa Đéc xưa: “Sở dĩ có danh từ Bảo Tiền, Bảo Hậu là vì xưa kia vua Gia Long thiết lập để bảo vệ, phòng thủ cuộc tấn công của địch ở mặt tiền và mặt hậu nên gọi là Bảo Tiền, Bảo Hậu” .
Tuy nhiên, qua một số tài liệu mới và khảo sát thực địa, chúng tôi nhận thấy Bảo Tiền không hẳn là căn cứ của Nguyễn Ánh mà có thể là một thành trì được xây dựng ở giai đoạn sau.

1. Vì sao chúng tôi phát hiện được phế tích nầy?

Năm 1970, nhà nghiên cứu Huỳnh Minh đã khảo sát Bảo Tiền, Bảo Hậu cùng với các pháo đài mà ông cho là do vua Gia Long cho xây dựng để ngăn phòng quân địch tiến đánh. Theo mô tả của ông: “Xung quanh Bảo, đào hào sâu ngập nước. Thành nằm giữa một nền cao độ năm mẫu đất. Cảnh điêu tàn, sụp đổ chỉ còn trơ lại cái nền […] còn thấy những tảng đá chôn sâu dưới lòng đất, bị nước mưa xói lòi lên một màu đen xám. Theo sự suy đoán của chúng tôi, ngày xưa vua Gia Long xây đắp Bảo Tiền, Bảo Hậu, các cửa vô đều làm bằng đá xanh và xây hồ ô dước rất kiên cố” .
Sau khi đến nơi tìm hiểu, chúng tôi được biết là cho đến năm 1975, về cơ bản các cấu trúc của Bảo Tiền vẫn còn rõ ràng với nền tường thành và hào sâu bao quanh. Về sau, người dân dần dần san lấp gần hết các hào thành để canh tác, nền tường thành đắp bằng đất nên cũng bị mưa nắng bào mòn dần, cây cối, cỏ dại mọc kín, bên trong không còn công trình gì ngoại trừ một cái miễu nhỏ do người dân cất tạm bợ ở pháo đài phía Bắc để thờ Trăm quan cựu thần.

Trong lúc khai thác tài liệu về một tướng quân nổi tiếng thời Nguyễn, người đã từng về Long Hưng xây dựng căn cứ chống Pháp sau khi thành Định Tường thất thủ, chúng tôi phát hiện trên bản đồ Nam Kỳ do người Pháp vẽ năm 1863  thể hiện một toà thành với ghi chú “Citadelle Lavium” (thành Lai Vung). Xem trên bản đồ vệ tinh để đối chiếu, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy hình dạng nền tường thành vẫn còn rõ ràng, khá nguyên vẹn.

2. Hiện trạng phế tích

Ngày 02/3/2018, Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp đã tổ chức điền dã, khảo sát thực địa và ghi nhận:

- Phế tích tọa lạc cách bờ rạch Cái Bàng khoảng 250 mét, ở ấp Long Định, xã Long Thắng, Lai Vung (Sadec), nền tường thành gần như nguyên vẹn, thấy rõ hình dáng và quy mô của một thành cổ theo phong cách Vauban với đầy đủ 4 pháo đài nhô ra ở 4 hướng.

- Chân tường thành còn khá nguyên vẹn, chu vi thành khoảng 500m (125 trượng), lớn hơn thành Hà Tiên (96,2 trượng) và thành Vĩnh Long (100 trương), rộng khoảng 4 - 5m, cao hơn khoảng 0,5 - 1m so với mặt ruộng xung quanh, đắp bằng đất nện rất chắc, được gia cố bằng một lớp gạch nung -nhiều khả năng là gạch nung tại chỗ.

- Bên trong thành còn vết tích nền một số công trình, phát hiện một số  gạch thức trong khu vực này, có thể là gạch xây dựng các công trình này.

- Theo một số người dân tại chỗ, sau năm 1975 vẫn còn một con mương rộng khoảng 8 - 10m và sâu khoảng 4 - 5m bao quanh thành, đến nay, phần lớn đã bị san lấp để canh tác, chỉ còn một đoạn ngắn ở mặt thành phía Đông - Bắc. Theo cách thức xây thành ngày xưa, bao giờ bên ngoài tường thành cũng có hào thành, như vậy, hào thành này còn tồn tại cho đến sau năm 1975, vẫn có thể phục hồi và kết hợp tìm kiếm hiện vật có thể còn vùi lấp bên dưới.

- Trên bờ thành phía Nam hiện còn hai cây trôm cổ thụ (có thể tuổi thọ tương đương với tòa thành). Cách đây vài năm, người dân phát hiện được rất nhiều đạn chì hình tròn, to cỡ đồng xu ở pháo đài phía Bắc.

3. Ai là người xây dựng Bảo Tiền

Như vậy, tòa thành mà chúng tôi phát hiện được có phải được xây dựng và sử dụng trong cuộc chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh hay là sau đó, ai là người được giao nhiệm vụ xây, thủ thành và đến lúc nào thì hoang phế?

Theo Đại Nam thực lục: “Tháng 10 năm Đinh Mùi (1787)... vua (tức Nguyễn Ánh) về đóng ở Hồi Oa (Nước Xoáy), sai các tướng đắp thành đất, Hoàng Văn Khánh và Tống Phước Ngoạn đóng bên tả, Nguyễn Văn Trương và Tô Văn Đoài đóng bên hữu…” . Trên thực địa, từ căn cứ Long Hưng có con rạch nối đến Bảo Tiền theo rạch Cái Bàng dẫn vào Bảo Tiền bằng một con kinh và từ Bảo Tiền cũng có một con rạch ăn thông với Bảo Hậu để rồi từ đó có thể di chuyển qua sông Hậu và đi ra biển. Chính vì thế, các nhà nghiên cứu trước đây cho rằng, để bảo vệ từ xa cho khu trung tâm ở Long Hưng, Nguyễn Ánh còn cho đắp hai bảo là Bảo Tiền và Bảo Hậu.

Qua đối chiếu lại sử liệu và thực địa, chúng tôi thấy rằng, giả thuyết trên có thể chưa đúng, bởi những lý do sau:

- Đại Nam thực lục không chép việc Nguyễn Ánh cho đắp Bảo Tiền và Bảo Hậu. Và trong thực tế, khi Nguyễn Ánh cho xây dựng căn cứ tại Hồi Oa năm 1787 để đối phó với quân Tây Sơn phía bên kia sông Tiền thì việc dựng hai thành đất với quy mô như trên không giúp ích gì nhiều khi rút lui và càng không có tác dụng phòng thủ. Hơn nữa, nếu có thành thì phải có tướng trấn giữ, nhưng sử sách nhà Nguyễn cũng không thấy ghi chép. Điều đó càng cho thấy không hề có việc Bảo Tiền và Bảo Hậu được xây cùng thời điểm với căn cứ Long Hưng năm 1787.

- Nếu quả có hai bảo được xây dựng cùng với đồn Trung tâm thì trong Gia Định thành thông chí hoặc Đại Nam nhất thống chí chắc chắn phải có ghi nhận dù còn sử dụng tiếp tục hay không. Tra cứu tất cả các bảo của tỉnh An Giang (kể cả bảo cũ lẫn bảo mới đắp) trong hai bộ sách trên, chúng tôi cũng không hề thấy nhắc đến hai bảo nầy. Điều đó chứng tỏ Bảo Tiền và Bảo Hậu phải được xây dựng sau thời Thiệu Trị.

Vậy ai là người xây dựng hai bảo trên và thời điểm xây bảo là khi nào. Như đã nói ở trên, một trong những nguyên nhân giúp chúng tôi tìm ra tòa thành nầy bắt nguồn từ việc làm tài liệu về một danh tướng thời Nguyễn -đó là Hùng Dõng tướng Nguyễn Công Nhàn. Đến thời điểm hiện tại, qua các tài liệu mà chúng tôi thu thập được, có thể đưa ra giả thuyết: Bảo Tiền và Bảo Hậu được tướng quân Nguyễn Công Nhàn xây dựng theo sự chỉ đạo của vua Tự Đức để chống Pháp. Dưới đây là các cứ liệu để chúng tôi đưa ra giả thuyết nầy:

- Tài liệu chánh sử nhà Nguyễn cho biết, sau khi thành Mỹ Tho thất thủ vào tháng 3 năm 1861, Hùng Dõng tướng Nguyễn Công Nhàn -nguyên Tổng đốc Định Tường, đã thu thập quân bản bộ rút về lỵ sở huyện Kiến Đăng (nay thuộc Cai Lậy, Tiền Giang) dâng sớ xin chịu tội. Vua Tự Đức ra lịnh cho ông phải lẻn về lỵ sở cũ, chiêu tập dân dõng để mưu báo phục về sau.

Khi Pháp tiến đánh Biên Hòa, đình thần đề nghị với vua xin cho Nguyễn Công Nhàn được theo Nguyễn Tri Phương để chống giữ. Vua Tự Đức sau đó thấy tỉnh Biên Hòa đã thất thủ nên cho Công Nhàn khai phục Quản cơ sung Đốc binh, cho giúp bàn việc quân, lại cấp cho ông một chiếc áo trận bằng màu hoa lan trơn, 1 quần nhiễu trơn màu lam cùng với 30 lượng bạc làm lộ phí.

Đến tháng Giêng năm 1862, trước tình nhình thực dân Pháp lăm le chiếm Vĩnh Long, vua sai Đốc binh Nguyễn Công Nhàn làm Thương biện quân vụ Vĩnh An, (gồm hai tỉnh Vĩnh Long và An Giang) , lập đồn lũy chiến đấu cho đến khi Pháp chiếm hết 6 tỉnh vào tháng 6 năm 1867, triều đình hoàn toàn mất liên lạc với ông.
Các tài liệu truyền khẩu trong dân gian vùng Long Hưng - Nước Xoáy cho biết, Hùng Dõng tướng đã về đây lập đại bản dinh để chống Tây. Ông cho đào con rạch để ghe ô, ghe sa ra vào nên người dân gọi đó là rạch Dinh. Ông chỉ huy quân thứ hiệp với các lãnh tụ nghĩa quân khác như Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều ở Tháp Mười để đánh Tây. Chính vì vậy dân gian vùng Mỹ Hiệp (nay thuộc huyện Cao Lãnh) còn truyền nhau câu ca:

“Vái Trời, vái Phật, vái tổ, vái tiên,
Vái ông Hùng Dõng giặc yên ông về.
Ông về ông đặng làm quan,
Dân đặng thanh nhàn, ông đặng bình an”

Và trong dân gian vùng Long Hưng - Nước Xoáy cũng có câu ca:

“Lạy Trời, lạy Phật, lạy vua
Lạy ông Hùng dõng đánh đùa Tây  sang”

- Một bài báo tiếng Pháp đăng trên tờ L’Écho Annamite ngày 08/02/1926 với tựa “Les anciennes citadelles annamites de la Cochinchine” (Thành lũy cổ của người An Nam ở Nam Kỳ) của tác giả Ứng Hòe  có đoạn viết:

 “... Sau khi quân đội Pháp chiếm Biên-hòa, Gia-định, Định-tường  (tên cũ của tỉnh Mỹ-tho) và Vĩnh-long, một vị quan ở An-giang (Châu-đốc) được triều đình Huế hạ lệnh phải xây hai lũy - kho (gọi là bảo) để tồn trữ những yếu phẩm của các tỉnh một cách an toàn và cũng để tồn trữ thực phẩm phòng khi bất trắc. Do đó, hai bảo được xây dựng, một ở làng Long-thành (Sadec) gọi là Bảo-Tiền, và một ở làng Định-hòa (Cần-thơ) gọi là Bảo-Hậu. Các công trình này là các tòa nhà hình vuông được xây bởi các thợ nề, nhưng ngày nay chỉ còn lại những phế tích khó nhận ra. Chúng đôi khi được dùng làm nơi ẩn náu cho quân đội và dân quân An Nam kháng cự lại quân đội Pháp…”

Qua đoạn tư liệu trên, chúng ta có thể thấy:

- Vị quan ở An Giang được triều đình Huế hạ lệnh xây Bảo Tiền và Bảo Hậu từ sau khi Pháp chiếm Định Tường cho đến trước khi Pháp chiếm hết Nam kỳ lục tỉnh có thể là Nguyễn Công Nhàn với chức Đốc Binh sung Thương Biện quân vụ Vĩnh An.

- Tác giả bài báo cho biết vị quan An Giang “được được triều đình Huế hạ lệnh phải xây hai lũy - kho (gọi là bảo) để tồn trữ những yếu phẩm của các tỉnh một cách an toàn và cũng để tồn trữ thực phẩm phòng khi bất trắc”, có nghĩa là cho đến lúc nầy (tức khoảng sau tháng Giêng năm 1862, khi vua Tự Đức dụ sai Nguyễn Công Nhàn về An Giang) thì Bảo Tiền và Bảo Hậu mới được xây dựng, cùng với bản dinh tại Long Hưng. Cần lưu ý rằng, từ năm 1862 đến 1867, ba tỉnh miền Tây - trong đó có An giang, vẫn thuộc chủ quyền của nhà Nguyễn, do đó, việc xây dựng bản dinh và thành trì hoàn toàn công khai và có sự hỗ trợ của quan quân tỉnh An Giang, thậm chí là cả Vĩnh Long, Hà Tiên.
Cụ Ứng Hòe -tác giả bài viết trên, thuở nhỏ từng học chữ Hán, từng làm việc tại trường Viễn Đông bác cổ, hẳn biết rõ vị quan An Giang được triều đình Huế lệnh về xây hai bảo trên nhưng lại không nêu rõ danh tánh. Có thể cụ Ứng Hoè không muốn làm ảnh hưởng tới con cháu vị quan ấy khi mà người Pháp còn đang cai trị. Lo ngại trên cũng tương tự như việc tướng quân Nguyễn Công Nhàn đã dặn lại con cháu phải đổi sang họ Châu để tránh sự truy lùng của Pháp.

- Một chi tiết khác chứng minh được thời điểm xây dựng Bảo Tiền ít nhất phải trước năm 1863, đó là trên bản đồ Nam Kỳ của Pháp vẽ khoảng năm 1863, có vẽ một tòa thành Vauban với chú thích “Citadelle Lavium” (thành Lai Vung)  -thành nầy chính là Bảo Tiền.

Cũng từ những tài liệu trên cho thấy, thành nầy bắt đầu hoang phế từ sau khi Pháp chiếm trọn Nam kỳ lục tỉnh, tức từ tháng 6 năm 1867.

4. Một vài nhận định bước đầu

Những nhận xét trên, giúp chúng ta có một vài nhận định bước đầu:

 - Phế tích thành cổ kiểu Vauban

 -Thành Lavium (Bảo Tiền) ở Long Thắng, là phế tích duy nhứt của thành trì thời Nguyễn còn tồn tại khá nguyên vẹn ở Nam bộ.

- Thành Lavium (Bảo Tiền) là thành được vua Tự Đức cho xây dựng để chống sự xâm lược của thực dân Pháp, sau khi Định Tường thất thủ. Thành Lavium (Bảo Tiền) có thể do Hùng Dõng tướng Nguyễn Công Nhàn xây dựng trong năm 1862, đóng vai trò quân thứ của hai tỉnh Vỉnh Long và An Giang (Vĩnh An), nhằm hỗ trợ cho các tỉnh thành đương thời Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên chống giữ miền Tây Nam bộ trước sự xâm lược của Pháp.

Việc phát hiện ra phế tích thành cổ thời Nguyễn ở Lai Vung là một sự kiện đặc biệt quan trọng trong giới sử học cũng như khảo cổ ở khu vực phía Nam, thiết nghĩ chánh quyền địa phương và các nhà khoa học nên sớm có biện pháp nghiên cứu bổ sung tư liệu, kết hợp khai quật khẩn cấp để tìm các hiện vật khẳng định giá trị, niên đại của di tích, đồng thời có hướng khôi phục lại kiến trúc như xưa để giáo dục lịch sử, truyền thống và phục vụ phát triển du lịch

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quốc sử quán Triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục chính biên, tập I, Nxb.Giáo Dục.
2. Quốc sử quán Triều Nguyễn (1973), Đại Nam nhất thống chí lục tỉnh Nam Việt, Phủ QVKĐTVH.
3. Hội KHLS Đồng Tháp - Ban tế tự đền thờ Hùng Dõng tướng Nguyễn Công Nhàn (2017), Kỷ yếu hội thảo khoa học Hùng Dõng tướng Nguyễn Công Nhàn thân thế và sự ngiệp, Nxb.Tổng Hợp TP. HCM.
4. Ứng Hòe (1926), L’Écho Annamite - “Les anciennes citadelles annamites de la Cochinchine”.
5. Nguyễn Hữu Hiếu (chủ biên - 2017), Văn hóa dân gian miệt Sa Đéc, Nxb.Sân Khấu.
6. Trịnh Hoài Đức (2005), Gia Định Thành Thông Chí, bản dịch Lý Việt Dũng, Nxb.Đồng Nai.

Danh sách bài đăng