Tỉnh Sa Đéc

Kết quả tìm kiếm

Tống Phước Hòa


 Chưởng thủy Dinh Quận công Tống Phước Hòa

 Anh em đều vinh hiển, ngàn thu hương hỏa sùng phụng, nơi đền đài miếu mạo Vĩnh-Long, Sa-Đéc, thật chẳng ai bằng gia đình Tống-Quốc-Công. Dân chúng Vĩnh-Long không ai là chẳng biết miếu thờ Tống-Quốc-Công (Phước-Hiệp), còn tại Sa-Đéc, thì ngôi đình thờ Tống-Quận-Cộng (Phước-Hòa) cũng nguy nga tráng lệ không kém. (Trước kia có đền thờ riêng, sau này Chánh phủ Pháp dỡ đi để cất bót cảnh sát ở đó, nên nay Tống-Quận-Công thờ chung với đình Thần làng Vĩnh Phước).

 Tống-Phước-Hòa là em ruột Hữu-Phủ Quốc-Công Tống-Phước-Hiệp, đã từng vào sanh ra tử theo phò Chúa Định-Vương Nguyễn-Phúc-Thuần lúc chống Tây-Sơn. Xuất thân là Cai-cơ trong quân ngũ của anh tại Long-Hồ-dinh, nhưng ông tuyệt nhiên không cậy oai thế của anh mình mà tự kiêu tự mãn. Lúc nào ông cũng nhún nhường, tháo vát mọi trọng trách một cách mẫn cán, liêm-chính. Trong quân cũng như ngoài dân chúng, người người đều mến chuộng tài đức của ông.

 Sa cơ tự vẫn để bảo toàn danh tiếc

 Mùa xuân năm Bính-Thân (1776), Tây-Sơn kéo vào hạ thành Gia-Định. Ông vâng lịnh anh đi cứu viện, một lòng quyết tử, làm trọn nhiệm vụ, đánh Tây-Sơn khôi phục đất đai đã mất. Do công lao ấy, ông được thăng Chưởng-Thủy-Dinh, tước Quận-Công. Rồi cùng anh đóng quân tại Long-Hồ. Năm sau, Đinh-Dậu (1777), Tây-Sơn lại kéo vào đánh chiếm Gia-Định. Bấy giờ ông đang cùng Tống-Phước-Thiêm trấn giữ Long-Hồ, lập tức điều động binh-sĩ ứng chiến. Tây-Sơn dũng mãnh tiến chiếm nhiều nơi trọng yếu. Chúa Nguyễn và các quan hầu cận liệu thế không xong, lui về Ba-Vát (Bến-Tre) cố thủ. Ông hay tin, lòng càng hăm-hở quyết tử chiến, một mình đem binh chống cự. Dũng-cảm chiến đấu, binh-sĩ dưới sự chỉ huy của ông thảy đều hăng hái tranh phong cùng địch, thắng luôn nhiều trận.

 Tây-Sơn bèn dùng mưu, một mặt cầm cự ngăn ông tại Ba-Vát, một mặt đổ binh đánh tập hậu, bắt sống được Tân-Chánh-Vương (tức Đông-Cung Nguyễn-Phúc-Dương) giải về Gia-Định hành quyết. Ông căm hờn than dài: Chúa nhục thì kẻ làm tôi nên liều chết! Ông càng thúc quân đánh mạnh hơn lên. Nhưng dầu anh dũng đến thế nào, sức côi thế yếu, ông cũng đành ngậm hận mà thôi. Liệu bề khó thắng nổi trong tình thế nguy nan, ông liền đánh một trận cuối cùng cực kỳ dữ-dội, rồi trở gươm tự sát nơi chiến trường Ba-Vát.

 Chẳng những các chiến hữu của ông đều cảm phục thương tiếc, mà tất cả tướng sĩ Tây-Sơn cũng nhiệt lòng khen ngợi ý chí trung liệt của ông. Về sau, gồm thu non sông về một mối, vua Gia-Long nhớ công ơn, truy phong ông chức Chưởng-Dinh-Quận-Công. Năm Canh-Ngọ 1810, nhà vua lại cho thờ ông tại Miếu-Trung-Tiết Công Thần ở Huế.

 Nay tại làng Vĩnh-Phước trong Châu-Thành Sa-Đéc, hãy còn ngôi đình thờ ông, xây cất cực kỳ tráng lệ. Tục gọi "Miếu Quan Thượng-Đẳng", cũng là Đình Thần làng Vĩnh-Phước như kể trên.

 Ông Nguyễn-Đăng-Khoa có thơ vịnh:

 Quốc-Công trọng tước dấy lòng trung,

 Tay đỡ thành Nam chống thế công.

 Đất trổ anh tài trong nước lửa, 

 Trời theo gương Tống chói non sông.

 Oai danh thơm nực ngoài ba cõi, 

 Oanh liệt còn vang thấu cửu trùng.

 Công đức đã đầy trong võ-trụ, 

 Hiền thần chẳng nhọc, Đế-vương phong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Danh sách bài đăng