Chợ Lấp Vò, 1947. |
Đến nay, có hai nguồn tư liệu liên quan đến địa danh Lấp Vò:
1. Theo tư liệu dân gian:
Có truyền thuyết cho rằng vào thời nội chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh trên đất Nam Bộ (1777-1789), trước và sau khi Nguyễn Ánh về lập căn cứ ở Hồi Oa (Nước Xoáy-Long Hưng), thì rạch Lấp Vò là một thuỷ đạo vô cùng quân trọng trong việc di chuyển quân của Nguyễn Ánh bằng ghe thuyền từ sông Tiền sang sông Hậu. Để phục vụ cho việc di chuyển thường xuyên này, hai bên bờ sông xuất hịên nhiều cơ sở sửa chuyển ghe thuyền, trong đó khâu chủ yếu là sản xuất, nấu ra dầu chai, một thứ dầu dùng để trét, xảm các đường ráp nối, hoặc kẻ nứt chung quanh ghe thuyền, mà tiếng nhà nghề gọi là lấp dò (dò là chỗ nứt trong ghe). Người chuyên làm công việc này được gọi là thợ lấp dò. Vì thế nên con sông được mang tên Lấp Vò (dò bị viết thành vò).
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng tên Lấp Vò xuất phát từ tiếng Khmer “Srok tak por” (xứ Lấp Vò). Tak por phát âm theo tiếng Việt thành Lấp Vò. Nhưng hai tiếng tak por không có nghĩa là lấp dò ghe thuyền, mà có nghĩa “nước sôi”.
2. Theo nguồn tư liệu thành văn:
Trong bộ “ Đại Nam quấc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Paulus Của in năm 1895, viết: Lấp vò là xảm trét ghe thuyền. Trong sách “Chuyên đời xưa” của Trương Vĩnh ký, in năm 1866 cũng viết;: “Người làm nghề trét, xảm ghe xuồng gọi thợ lấp vò”. Theo Vương Hồng Sển, trong sách “Tự vị tiếng Việt Miền Nam”, thì Lấp Vò cũng có nghĩa là sửa chửa, o bế lại vật gì đã hư hỏng.
Trong khi đó, trong “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, ở mục Sơn xuyên, viết:
“Cường Thành giang (sông Cường Thành): tục gọi là sông Lấp Vò, ở bờ phía đông sông Hậu Giang, rộng 12 tầm, sâu 18 thước ta, cách trấn về phía nam 178 dặm rưởi. Bờ phía nam có Du giang, chảy ra sông lớn, cách bờ nam nửa dặm đến thủ sở Cường Thành, ở đây chợ búa đông đúc (gọi là chợ Lấp Vò). Lại 50 tầm đến ngã ba sông: nhánh phía bắc thông với sông Qua giang (Cái Bí), sông Trường Tiền, rồi chảy ra sông lớn (sông Hậu); nhánh phía đông 70 dặm đến ngã ba nữa: nhánh phía bắc thông với sông Hội An rồi ra sông Tiền giang, nhánh phía đông qua sông Thủ Ô, sông Hồi Luân (Nước Xoáy), ra sông Sa Đéc, rồi cùng thông với Tiền giang. Hai bên đều có ruộng vườn và dân cư”.
Từ các nguồn thông tin trên, ta rút ra mấy điểm:
1. Địa danh Lấp Vò ra đời khá sớm, trước cuộc nội chíến Tây Sơn-Nguyễn Ánh (1777), do cư dân ngụ hai bên bờ sông có nhiều người làm nghề nấu dầu chai để “lấp dò” ghe thuyền, nên con sông mới mang tên này.
2. Rạch Lấp Vò là đường thủy quan trọng nối liền sông Tiền và sông Hậu, được Nguyễn Ánh khai thác triệt để trong cuộc nội chiến; dùng con sông này để vừa tránh né quân Tây Sơn, vừa di chuyển quân, vừa dùng làm nơi tu bổ ghe thuyền và chiêu mộ người lẫn thu mua lương thực.
3. Vùng này từ xưa dân cư đông, nghề nghiệp đa dạng: trồng lúa, trồng cau (nhiều nhứt là ở Tân Lộc, trong nội chiến Nguyễn Ánh chế ra súng đại bác bằng gỗ bắng hột cau khô, đuổi được quân Tây Sơn khi bao vây đánh căn cứ Long Hưng), đóng ghe xuồng, nấu dầu chai...Chợ Lấp Vò ra đời sớm là một minh chứng cho sự phồn thịnh của khu vực.
4. Rạch Lấp Vò có nhiều chi lưu ăn thông đến rạch Nước Xóay, nơi đóng căn cứ Long Hưng, đến rạch Cái Bí, Trường Tiền (nay thuộc xã Hòa An và Hòa Bình, quận Chợ Mới, tỉnh An Giang), nơi này Nguyễn Ánh cho mở lò đút tiền, nên con rạch mới có tên này...
5. Vào năm 1957 Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), do nghị định số 308-BNV/NC/NĐ ngày 8-10-1957, lập lại quận Lấp Vò trực thuộc tỉnh Vĩnh Long từ Tổng An Phú tỉnh Long Xuyên. Năm năm sau bằng nghị định số 718-NV ngày 11-7-1962, hai quận này tách ra để lập hai quận mới là Đức Thành vẫn thuộc tỉnh Vĩnh Long. Đến ngày 24-4-1966, tỉnh Sa Đéc được thành lập lại với diện tích nhỏ hơn trước đây gồm 4 quận, cho tới năm 1975. Trong đó, quận Lấp Vò có 8 xã: Bình Thạnh Đông, Bình Thạnh Tây, Bình Thạnh Trung, An Hội Đông, Mỹ An Hưng, Định Yên, Vĩnh Thạnh, Long Hưng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét